Vụ tấn công do các phần tử khủng bố Al-Qaeda tiến hành, đã gây chấn động cả thế giới và phá vỡ cảm giác an toàn của nước Mỹ. Sau sự kiện 11/9, Mỹ đã phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu với việc đưa quân vào Afghanistan, nơi ẩn náu của Osama bin Laden - thủ lĩnh Al Qaeda.
Đã 20 năm kể từ khi xảy ra sự kiện kinh hoàng 11/9, những ảnh hưởng của sự kiện đó vẫn đang định hình xã hội Mỹ ngày nay, và người ta vẫn đang nói về những được - mất của nước Mỹ sau 2 thập kỷ.
Sáng 11/9/2001, 19 đối tượng khủng bố Al-Qaeda chiếm quyền điều khiển 4 máy bay chở khách cỡ lớn, rồi lần lượt cho chúng chuyển hướng, tấn công hàng loạt mục tiêu được coi là biểu tượng sức mạnh trên đất Mỹ. Hai chiếc máy bay trong số đó lần lượt đâm vào tòa tháp Bắc và Nam của khu phức hợp Trung tâm thương mại thế giới tại thành phố New York.
Ông Joseph Dittmar - Người sống sót trong vụ 11/9
Ông Joseph Dittmar - Người sống sót từ Tòa phía nam trong vụ 11/9 nhớ lại: "Ngọn lửa đỏ rực, hơn bất cứ màu đỏ nào mà tôi nhìn thấy trước đó trong đời mình, khói đen và xám bốc ra từ các lỗ hổng lớn ở các mặt của tòa tháp phía bắc".
Ngoài tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới, những phần tử khủng bố đã điều khiển chiếc máy bay thứ ba đâm vào Lầu Năm Góc tại bang Virginia.
Chiếc máy bay thứ tư, ban đầu được nhắm vào thủ đô Washington, nhưng đã rơi xuống một cánh đồng ở ngoại ô thành phố Shanksville, bang Pennsylvania, sau khi các hành khách dũng cảm tìm cách khống chế nhóm không tặc.
Loạt vụ tấn công ngày 11/9/2001 đã làm 2.996 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương.
Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định giải mật tài liệu về vụ khủng bố
Ngay trước thời điểm đánh dấu 20 năm vụ khủng bố 11/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định giải mật tài liệu về vụ khủng bố này. Dự kiến tập hồ sơ này dày 25 ngàn trang, nó có thể có nhắc tới sự liên quan của quốc gia hay những cá nhân được phía Mỹ cho là tham gia hỗ trợ tài chính cho vụ cướp máy bay.
Rất nhiều đời Tổng thống Mỹ đã rút lại tài liệu này do lo ngại các vấn đề an ninh, cả chính quyền của ông Donald Trump cũng đã khước từ.
Mặc dù chính quyền mới quyết tâm giải mã và công bố sớm trong dịp kỷ niệm 20 năm này, nhưng nhiều chuyên gia đánh giá, có những vấn đề mang tính bảo mật và liên quan tới an ninh, sẽ rất khó để công bố toàn bộ. Hoặc nếu có thì sẽ là dạng tài liệu đã được biên tập hoặc nếu không, nó sẽ vĩnh viễn trở thành tài liệu mật.
Những vết thương liệu đã lành?
Sau 20 năm, những thiệt hại từ vụ tấn công vẫn đang được đong đếm. Tờ Thời báo New York đánh giá, tổng thiệt hại có thể lên tới 3,3 nghìn tỷ USD, khoảng 83 ngàn việc làm cũng đã biến mất.
Vụ tấn công ngày 11/9/2001 đã làm 2.996 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương.
Theo những công bố của các cơ quan y tế thì cùng với lính cứu hỏa, số người sống, làm việc hay học ở trường gần khu 11/9 năm đó đã trở thành nạn nhân gián tiếp của vụ khủng bố. Số người sau đó mắc bệnh ung thư liên quan tới khói bụi, hóa chất nóng chảy tăng lên 23.700 người, trong đó hơn 1.500 đã chết.
Và sau 20 năm, cuộc sống của những người, đặc biệt là phụ nữ đạo Hồi đã bị tác động rất nhiều. Trung tâm Nghiên cứu Pew mới thực hiện một cuộc khảo sát đối với người Hồi giáo sống ở Mỹ, gần một nửa trong số những người tham gia cho biết họ phải đón nhận hành động kỳ thị ít nhất 1 lần trong năm.
Và nói như bà Sahar Alsahlani, Ủy viên Hội đồng Người Hồi giáo tại Mỹ, cuộc sống của người Hồi giáo tại Mỹ đã thay đổi hoàn toàn sau vụ 11/9, họ (đặc biệt là phụ nữ) luôn thấy mặc cảm và không còn tự tin để mặc những bộ quần áo, khăn trùm truyền thống mỗi khi ra đường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!