Vụ ám sát chuyên gia hạt nhân Iran có châm ngòi cuộc chiến mới ở Trung Đông

Nguyễn Mai (Theo BBC, CNN, Aljazeera, The Guardian)-Thứ ba, ngày 01/12/2020 17:32 GMT+7

Nhà khoa học Fakhrizadeh bị ám sát khi đang đi nghỉ cùng gia đình

VTV.vn - Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân của Iran Mohsen Fakhrizadeh, được xem là một cuộc tấn công khủng bố nhằm mục đích kích động Iran.

Iran tăng cường bảo vệ các nhà khoa học
sau vụ chuyên gia hạt nhân hàng đầu bị ám sát

Ngay sau sự việc chuyên gia hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh bị sát hại, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã ban hành sắc lệnh về các biện pháp an ninh cần thiết để ngăn chặn những vụ tấn công khác nhằm vào các nhà khoa học của nước này, cũng như loại bỏ các hành vi phá hoại an ninh. Tuy nhiên, thông báo không nêu cụ thể những điều khoản của sắc lệnh này.

Hiện chưa có thông tin về nhóm tay súng gây ra vụ tấn công, song Iran đã nhiều lần cáo buộc tình báo phương Tây và Israel đứng sau hàng loạt vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân của nước này. Vụ sát hại trên cũng đang đặt ra những lo ngại về cuộc đụng độ mới giữa Iran với phương Tây và Israel trong thời điểm chỉ còn vài tuần nữa là tới quá trình chuyển giao quyền lực sau bầu cử Tổng thống Mỹ.

Tham mưu trưởng Các Lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri tuyên bố sẽ đáp trả những đối tượng đứng sau vụ ám sát này.

Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ John Brennan cho rằng vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran là một hành vi "phạm tội", có nguy cơ kích động xung đột trong khu vực. Theo ông, "một hành vi khủng bố được nhà nước tài trợ như vậy sẽ là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và kích động thêm nhiều chính phủ thực hiện những cuộc tấn công thảm khốc nhằm vào các quan chức nước ngoài".

Vụ ám sát chuyên gia hạt nhân Iran có châm ngòi cuộc chiến mới ở Trung Đông - Ảnh 1.

Địa điểm xảy ra vụ nổ súng, không có sát thủ nào có mặt trực tiếp tại hiện trường. Ảnh Aljazeera

Tại sao Iran lại đổ lỗi cho Israel đứng sau vụ ám sát?

"Vụ ám sát nhà khoa học Iran dường như nhằm phá hoại thỏa thuận hạt nhân" là dòng tít tờ Người Bảo Vệ của Anh đặt cho bài phân tích của mình.

Bài báo chỉ rõ rằng vụ ám sát chuyên gia hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh có thể không ảnh hưởng nhiều đến chương trình hạt nhân Iran mà ông đã giúp xây dựng, nhưng nó chắc chắn sẽ khiến việc cứu vãn thỏa thuận hạn chế chương trình đó trở nên khó khăn hơn, cho đến nay, điều này là động cơ hợp lý nhất.

Israel cũng được nhiều chuyên gia nhận định là thủ phạm có nhiều khả năng nhất thực hiện vụ ám sát. Cơ quan tình báo quốc gia Israel (Mossad) được cho là đứng sau hàng loạt vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân khác của Iran. Điều này được chỉ rõ trong các báo cáo mà các quan chức Israel đôi khi "bóng gió" xác nhận.

Sát hại ông Fakhrizadeh có thể còn có các mục đích khác, mặc dù được cho là ít hiệu quả hơn. Cơ quan giám sát hạt nhân thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đưa ra đánh giá về khía cạnh quân sự của chương trình hạt nhân của Iran, và nhận định ông là nhà khoa học duy nhất được nhắc đến với tư cách là người có thể tiếp nối kế hoạch phát triển khả năng chế tạo bom hạt nhân của Dự án Amad.

IAEA phát hiện ra rằng đối tượng Amad đã bị bắt vào năm 2003 nhưng vào thời điểm đó, ông Fakhrizadeh vẫn là trung tâm của một mạng lưới các nhà khoa học có kiến thức và kinh nghiệm về công việc vũ khí hạt nhân.

Bà Ariane Tabatabai, thành viên Quỹ Marshall của Đức và là tác giả của một cuốn sách về chiến lược an ninh quốc gia của Iran, đã so sánh vụ sát hại chuyên gia Fakhrizadeh với với việc Mỹ ám sát tướng Qassem Suleimani hồi đầu năm.

Bà Tabatabai nhận định: "Ông Fakhrizadeh tham gia chương trình hạt nhân của Iran, còn tướng Suleimani thì tham gia vào mạng lưới ủy nhiệm của chương trình này. Ông ấy là nhân tố cho sự phát triển của chương trình. Nhưng dường như, cái chết của ông ấy về cơ bản sẽ không làm thay đổi quá trình chương trình hạt nhân của Iran."

Bà Ellie Geranmayeh, thành viên chính sách cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu, đồng ý với so sánh này, cho rằng vụ giết người khó có thể ảnh hưởng sâu sắc đến năng lực phát triển vũ khí hạt nhân của Iran.

"Mục tiêu đằng sau vụ giết người không phải để cản trở chương trình hạt nhân mà là làm suy yếu chính sách ngoại giao", bà nói.

Vụ ám sát chuyên gia hạt nhân Iran có châm ngòi cuộc chiến mới ở Trung Đông - Ảnh 2.

Iran tổ chức tang lễ cho ông Mohsen Fakhrizadeh theo nghi thức dành cho các liệt sĩ "tử vì đạo". Ảnh BBC

Vụ ám sát có châm ngòi cho cuộc chiến tranh mới
tại Trung Đông?

Hãng tin CNN nhận định vụ sát hại có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Tehran-Washington, vốn đã xấu đi dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Năm 2018, tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương với Iran và Iran bắt đầu rút các cam kết khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung năm 2015 vào năm ngoái. Kể từ đó, ông Trump đã viện dẫn các biện pháp trừng phạt kinh tế làm tê liệt đất nước Hồi giáo này.

Liệu Tehran có thể tiếp tục giữ được sự tỉnh táo và bình tĩnh của họ? Một cuộc tấn công trả đũa có thể khiến chính quyền của tân tổng thống Mỹ khó khăn hơn trong việc đàm phán các bước phức tạp – những bước mà Mỹ và Iran sẽ phải thực hiện để trở lại tuân thủ Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) và mở các cuộc đàm phán về các vấn đề khác. Vụ sát hại chuyên gia Fakhrizadeh có thể không phải là đòn cuối cùng được đưa ra trong những ngày cuối của thời đại tổng thống Donald Trump.

Kể từ hai ngày nay, sinh viên và thanh niên Iran đã tập trung tại một số tòa nhà chính phủ ở thủ đô Tehran để tham gia một cuộc biểu tình bên ngoài Bộ Ngoại giao. Những người biểu tình đã có hành động quá khích phản đối Mỹ và Israel, cũng như đốt áp phích tổng thống đương nhiệm Donald Trump và Ứng cử viên tổng thống Mỹ Joe Biden.

Liên minh châu Âu lên án vụ giết người và kêu gọi các bên hãy "kiềm chế tối đa", trong khi Văn phòng Ngoại giao Vương quốc Anh cho biết họ đang "khẩn trương cố gắng truy tìm sự thật."

Lễ tang và chôn cất chuyên gia quá cố Fakhrizadeh sẽ được tổ chức vào thứ Hai theo giờ địa phương. Hài cốt của ông Fakhrizadeh đã được đưa đến đền thờ Imam Reza, một trong những trung tâm tôn giáo quan trọng nhất của người Shiite, ở Mashhad vào thứ Bảy. Sau một buổi lễ vào Chủ nhật ở Mashhad, thi thể của ông dự kiến sẽ được đưa đến Tehran để chôn cất.

Ông Trita Parsi, phó chủ tịch điều hành của Viện lập pháp có trụ sở tại Washington, tin rằng Iran có thể đáp trả bằng quân sự đối với vụ ám sát chuyên gia Fakhrizadeh. Ông Parsi cho biết thời điểm phản ứng của Iran sẽ phụ thuộc vào cuộc tranh luận nội bộ diễn biến như thế nào và cách các quốc gia phương Tây và Mỹ sẽ phản ứng với vụ ám sát ra sao.

Cho đến nay, cả tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump và ứng cử viên tổng thống Mỹ Joe Biden đều không đề cập trực tiếp đến vụ ám sát, mặc dù ông Trump đã tweet lại một bài đăng của nhà báo Israel, ông Yossi Melman, người đã nhận định rằng ông Fakhrizadeh "là người đứng đầu chương trình quân sự bí mật của Iran và bị Cơ quan tình báo Israel (Mossad) truy nã trong nhiều năm".

Liệu quả bom hạt nhân Trung Đông có bị châm ngòi nổ? Liệu mối quan hệ giữa Iran với các quốc gia phương Tây và Mỹ có trở nên căng thẳng hơn nữa? Tất cả đều đang chờ câu trả lời "Ai đứng sau vụ ám sát chuyên gia Fakhrizadeh?".


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước