Vòng xoáy nội chiến không có hồi kết tại Libya

Anh Phương (PV Đài THVN thường trú tại Trung Đông)-Thứ ba, ngày 09/04/2019 06:00 GMT+7

VTV.vn - Tình hình an ninh ở Libya đang diễn biến cực kỳ phức tạp và khó đoán định. Đó là nhận định của Tư lệnh lực lượng quân đội Mỹ tại châu Phi.

Chỉ trong 5 ngày, chiến sự bất ngờ tăng nhiệt. Tình trạng bất ổn tại Libya thực ra không mới. Xung đột leo thang đến mức báo động trong những ngày qua chỉ làm nổi rõ hơn tình thế vô chính phủ kể từ khi Tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ.

Ở đây, người ta nhận thấy rằng, cộng đồng quốc tế đã hầu như không có được một kế hoạch tái thiết nào hiệu quả cho Libya giai đoạn hậu nội chiến. Ngay cả một số nước Phương Tây đã từng mạnh mẽ kêu gọi lật đổ Tổng thống Gaddafi hồi năm 2011 nhưng giờ cũng chỉ đưa ra vài tiếng nói mà không có hành động rõ ràng nào để hỗ trợ Syria lấy lại sự ổn định.

Với tình hình xung đột như hiện nay, tại Hội nghị hòa bình cho Libya của LHQ tới đây, không mấy ai dám kỳ vọng gì vào kết quả. Nhưng nếu cứ để bất ổn như hiện nay, Libya gần như chắc chắn sẽ rơi vào một vòng xoáy nội chiến mới.

Đáng lưu ý là hiện tại, Libya đang được xem là mảnh đất khủng bố mới tại Trung Đông. Không ít phần tử IS sau khi thất thủ tại Syria và Iraq đã dạt về đây. Các nhóm cực đoan bản địa cũng đang nổi lên, không ít tự xưng mình là chi nhánh của IS để phô trương thanh thế hay để kêu gọi lực lượng. Đây sẽ là bài toán không dễ giải quyết mà Trung Đông đang phải đối diện.

Tuần trước, đích thân Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã tới Libya, đối thoại với phe đối lập ở Benghazi để thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình quốc tế. Nhưng ông Guterres đã ra về tay trắng cùng nhiều tâm trạng nặng nề.

Nếu hội nghị dân tộc Libya do LHQ chủ trì không thể vạch ra một lộ trình hòa bình, có nghĩa vòng xoáy nội chiến tại quốc gia này vẫn chưa đến hồi kết.

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011, Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Rất nhiều nhóm vũ trang đã xuất hiện tại quốc gia Bắc Phi này, ước tính lên tới 1.700 nhóm.

Tại đất nước này cũng đang tồn tại hai chính quyền ở miền Đông và miền Tây với các lực lượng vũ trang riêng. Một bên là chính phủ đoàn kết quốc gia (GNA) có trụ sở tại Tripoli và được cộng đồng quốc tế công nhận. Còn bên kia là chính quyền miền Đông do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo (LNA). Tuy nhiên, không bên nào có thể thống nhất đất nước và tập trung quyền lực về một mối để đi đến các cuộc bầu cử dân chủ, tự do nhằm lập lại hòa bình sau nhiều năm chính biến.

Vào cuối năm 2015, hai chính quyền ở miền Đông và miền Tây Libya đã ký thỏa thuận chính trị do LHQ bảo trợ. Nhưng đến nay, Libya vẫn chưa đạt được quá trình chuyển tiếp dân chủ.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tuyên bố không ủng hộ giải pháp quân sự, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải theo đuổi giải pháp chính trị ở Libya nhưng lại không đưa ra được một cơ chế hành động hiệu quả nào để ngăn chặn xung đột leo thang tại Libya.

Những diễn biến hiện nay ở Libya cho thấy nước này đang tiếp tục chìm sâu vào vòng xoáy nội chiến không có hồi kết.

Mỹ và Nga kêu gọi giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Libya Mỹ và Nga kêu gọi giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Libya Giao tranh ác liệt phía Nam Tripoli, Libya Giao tranh ác liệt phía Nam Tripoli, Libya Mỹ sơ tán quân đội khỏi Libya Mỹ sơ tán quân đội khỏi Libya

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước