Những ẩn số thú vị đang chờ đợi Syria và khu vực Trung Đông là những gì người dân cảm nhận được sau chuyến công du của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tới Saudi Arabia trong tuần qua. Saudi Arabia vốn là đồng minh hàng đầu của Mỹ trong khu vực, trong khi Nga lại là quốc gia ủng hộ chính đối với Iran, đối thủ số một của Riyadh và nhiều nước vùng Vịnh. Tuy nhiên hiện nay, Nga và Saudi Arabia lại đang cho thấy rõ những tín hiệu muốn xích lại gần nhau, đặc biệt trong vấn đề Syria.
Theo đó, Nga và Saudi Arabia đã đạt được những thống nhất trong việc tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào vấn đề nội bộ của Syria. Tuyên bố được phát đi sau chuyến công du của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tới Saudi Arabia. Với nhiều tờ báo tại khu vực này, tuyên bố trên không khác gì một sự "quay ngoắt" 180 độ trong lập trường của Saudi Arabia đối với tương lai Syria và Tổng thống nước này Bashar al-Assad.
Cùng với sự sụp đổ của các thành trì của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), bối cảnh chính trị tại khu vực Trung Đông đang chứng kiến những chuyển biến sâu sắc. Có thể thấy, trong những biến chuyển ấy, Nga đang nổi lên là bên tạo được chỗ đứng hơn cả. Bên cạnh đó, theo báo chí Trung Đông, điều này có thể báo hiệu cho sự phân rã của Thổ Nhĩ Kỳ khỏi liên minh NATO sau 55 năm đóng vai trò thành viên.
Một khu vực Trung Đông được chứng kiến nhiều hơn sự hiện diện của Nga là điều mà khu vực này dường như không còn mơ hồ. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra hiện nay là: Nga sẽ hiện diện theo cách nào? Tiến hành một chính sách đa phương hóa tại Trung Đông, từ bỏ những liên kết chặt chẽ với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ hay thực thi một tư duy kiểu chiến tranh lạnh nhằm giữ cho mình những vị thế ưu tiên đối với một số đối tác chiến lược? Đây là câu hỏi phải chờ thời gian trả lời.
Thông điệp về định hướng phát triển của Liên minh châu Âu (EU)
Báo chí châu Âu trong tuần qua đã dành nhiều trang báo để viết về thông điệp Liên minh châu Âu (EU) được Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker đưa ra vào giữa tuần, thời điểm châu Âu đang phải gấp rút chuẩn bị cho sự ra đi của nước Anh. Bản thông điệp của ông Juncker cũng là những điểm chính trong định hướng phát triển cho một trong những liên minh lâu đời và lớn mạnh nhất trên thế giới trong thời gian tới.
Với 27 thành viên hiện nay, một bản thông điệp Liên minh châu Âu với nhiều đề xuất thay đổi sẽ khó tránh được những phản ứng trái chiều. Tuy nhiên, ông Junker đã cho thấy quyết tâm đưa ra những thay đổi có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển tương lai của EU. Đối với tất cả đề xuất cải cách, ông Junker đã đưa ra một nghị trình luật hóa rất rõ ràng.
Từ ngày 6/12/2017, Ủy ban châu Âu sẽ chính thức trình cải cách này dưới dạng dự luật và thời điểm lý tưởng nhất để Nghị viện châu Âu thông qua sẽ là tháng 3/2019, ngay khi hoàn thành việc đàm phán Brexit đối với Anh. Điều này được Chủ tịch Ủy ban châu Âu kỳ vọng như một thông điệp chính trị mạnh mẽ của EU thời hậu Brexit.
*Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TVOnline!