Cách đây 1 thập kỷ, vào tháng 3/2011, thảm họa động đất, sóng thần kinh hoàng tại khu vực Đông Bắc Nhật Bản đã gây ra các vụ nổ và làm hư hỏng hệ thống làm mát ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Từ đó đến nay, Nhật Bản đã phải bơm nước vào các lò phản ứng ở nhà máy Fukushima để làm mát các thanh nhiên liệu. Lượng nước này sau đó được xử lý bằng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến và đang được chứa trong các bồn chứa thuộc khuôn viên nhà máy trên.
Nhật Bản đã nêu khả năng phải đổ nước nhiễm phóng xạ ra biển từ 3 năm trước, vì họ tính toán được rằng, đến năm 2021, công ty TEPCO, đơn vị quản lý nhà máy điện hạt nhân Fukushima, sẽ không còn khả năng lưu trữ nước nhiễm phóng xạ.
Nước thải chứa phóng xạ được tích trữ trong hơn 1.000 bể chứa. (Ảnh: AP)
Hiện nay, mỗi ngày lại có 140 tấn nước nhiễm phóng xạ bị thải ra từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Số nước ô nhiễm này cho đến nay vẫn được tích trữ trong hơn 1.000 bể chứa khổng lồ. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc TEPCO sẽ sử dụng hết các bể chứa cũng như diện tích đất có thể dùng để xây các bể mới.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, TEPCO đã xử lý nước nhiễm xạ và loại bỏ hết các chất gây hại trừ triti. Triti là một chất phóng xạ phổ biến trong tự nhiên có thể tìm thấy trong nước mưa và cơ thể con người, nên ở nồng độ thấp sẽ không ảnh hưởng đến môi trường. Quan điểm này được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ủng hộ. Tuy nhiên, người dân Nhật Bản và các nước láng giềng vẫn quan ngại về khả năng các chất phóng xạ tồn dư trong nước thải sẽ tác động tiêu cực đến ngành đánh bắt hải sản và môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!