Vì sao mũi vaccine tăng cường không thể chấm dứt đại dịch?

Vân Ánh-Thứ hai, ngày 09/08/2021 13:12 GMT+7

VTV.vn - Nếu các nước thu nhập cao ưu tiên việc tiêm thêm mũi vaccine tăng cường mà không đoái hoài đến việc hỗ trợ vaccine cho các nước khác, tất cả sẽ cùng thua.

Đây là cảnh báo từ các chuyên gia của những tổ chức quốc tế cũng như từ các nước giàu.

Cuộc chiến với COVID-19 đã thay đổi vì biến thể Delta. Và thay đổi này đang khiến thế giới trở nên chia rẽ rõ hơn, trong đó các nước giàu quay trở lại với việc giữ chặt kho vaccine COVID-19, các nước còn lại tiếp tục chịu nhiều thương vong vì thiếu vaccine.

Đại dịch là một dịch bệnh bùng phát và lan ra nhiều quốc gia hoặc châu lục, nhưng ở các nước giàu lại đang có xu hướng biến đại dịch COVID-19 thành vấn đề nội bộ của một quốc gia. Những nước này đang dần triển khai các mũi vaccine tăng cường chỉ nhằm dập dịch trong nước mình.

Tuy nhiên, xu hướng này đang bị coi chỉ là "miếng băng dính cố che cái hố", bởi khi hàng trăm triệu người trên khắp thế giới giờ đây vẫn còn đang chưa được tiêm mũi vaccine đầu tiên, những người ở nước thu nhập cao cũng gặp nguy hiểm.

TS. Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, nói: "Nếu để virus có cơ hội tiếp tục thay đổi, chúng ta sẽ bị đẩy đến tình trạng xuất hiện một biến thể nguy hiểm hơn. Và tình trạng này sẽ tác động đến không chỉ những người chưa tiêm vaccine mà cả những người đã tiêm, vì biến thể đó có thể né tránh được khả năng bảo vệ của vaccine".

Vì sao mũi vaccine tăng cường không thể chấm dứt đại dịch? - Ảnh 1.

Một số nước giàu đang dần triển khai các mũi vaccine tăng cường chỉ nhằm dập dịch trong nước. (Ảnh: AP)

Pháp, Đức, Mỹ hiện đều bỏ qua lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như các chuyên gia quốc tế, tuyên bố sẽ tiếp tục kế hoạch triển khai tiêm mũi tăng cường, trong khi vẫn có thể hoàn thành được những cam kết viện trợ vaccine. Tuy nhiên, chẳng ai chắc chắn được điều này.

Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra những cam kết lớn nhưng rất khó để giám sát việc thực hiện. Nguyên nhân là do Ủy ban châu Âu đã chuyển trách nhiệm hoàn thành cam kết sang cho các nước thành viên, trong khi hiện EU mới giao được 7,1 triệu trong số 200 triệu liều vaccine cam kết viện trợ cho các nước khác từ nay cho tới cuối năm.

Còn Mỹ dù chưa chính thức công bố chương trình tiêm mũi tăng cường nhưng Nhà Trắng đã tỏ ra không muốn bỏ qua chương trình này.

Cho tới nay, chương trình chia sẻ vaccine COVAX do WHO điều phối mới giao được hơn 180 triệu liều vaccine trong tổng số 11 tỷ liều mà WHO tính toán là cần để chấm dứt đại dịch. Các cơ quan y tế công cộng quốc tế đều khẳng định, không ai được an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn. Do đó, nếu các nước giàu không bị thuyết phục chia sẻ thêm vaccine dựa trên các lý lẽ về công bằng, có thể họ sẽ phải khuất phục trước nguy cơ về những biến thể mới sẽ phát sinh ở những nơi ngoài biên giới nước họ.

Thế giới trước những ý kiến trái chiều về tiêm liều vaccine tăng cường Thế giới trước những ý kiến trái chiều về tiêm liều vaccine tăng cường

VTV.vn - Tổ chức Y tế Thế giới mới đây đã kêu gọi các nước tạm ngừng tiêm liều vaccine thứ 3 (liều tăng cường) ít nhất đến cuối tháng 9 tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước