Vì sao cuộc khủng hoảng nghiện thuốc giảm đau trầm trọng hơn trong năm 2020?

Nguyễn Mai-Thứ ba, ngày 22/12/2020 10:04 GMT+7

VTV.vn - Ẩn sau cái bóng của dịch COVID-19, một sát thủ khác đang từng ngày cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người một cách âm ỉ. Đó là OPIOID.

"Gia tăng đáng kể' số ca dùng thuốc giảm đau quá liều

Mỹ chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể về số ca tử vong vì sử dụng quá liều thuốc giảm đau gây nghiện có chứa opioid.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn khi chính phủ tổng thống Donald Trump áp dụng các biện pháp đóng cửa và giãn cách xã hội để phòng dịch.

Số ca tử vong phổ biến nhất là dùng quá liều thuốc giảm đau gây nghiện có chứa opioid như fentanyl – loại thuốc thường được sử dụng để giảm đau hậu phẫu và kết hợp với thuốc gây mê. Nhưng chúng là thuốc được kê đơn.

Khoảng 81.230 ca tử vong do sử dụng thuốc giảm đau quá liều đã xảy ra song song với thời điểm dịch COVID-19 bùng phát ở Mỹ

Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia (NCHS), CDC Mỹ

Đây là mức tử vong cao nhất từng được ghi nhận ở nước này trong 12 tháng qua. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao người ta lại tìm đến các loại thuốc giảm đau gây nghiện như vậy?

Câu trả lời chính là Thiếu hụt khả năng tiếp cận chăm sóc y tế!

Vì sao cuộc khủng hoảng nghiện thuốc giảm đau trầm trọng hơn trong năm 2020? - Ảnh 2.

Thuốc giảm đau có chứa opioid là nhóm thuốc bán kê đơn, nhưng lại dễ dàng mua trên thị trường chợ đen. (Ảnh CNN)

Thứ nhất, đại dịch COVID-19 khiến cho các bệnh viện không còn "suất" cho những bệnh nhân mắc các bệnh thông thường. Thậm chí những người mắc bệnh nan y cũng phải xếp hàng chờ được điều trị. Điều này không chỉ xảy ra ở riêng nước Mỹ, mà là thực trạng chung của hầu hết các điểm nóng dịch bệnh trên toàn thế giới. 

Những bệnh nhân không được ưu tiên này sẽ phải điều trị tại nhà – nhưng không phải lúc nào họ cũng được tham vấn bác sĩ điều trị thường xuyên. Vậy là cứ đau thì sẽ uống thuốc giảm đau. Lâu dần, những viên thuốc giảm đau "nhờn công dụng" còn người bệnh thì phải tăng liều dùng, dẫn đến "nghiện thuốc giảm đau" lúc nào không hay.

Tạp chí khoa học BMJ đã có bài phân tích rằng, người bệnh nhiều khi chỉ cần đi khám 1 lần, sau đó nếu tiếp tục mắc các bệnh tương tự hoặc sau khi sử dụng thuốc đã được bác sĩ kê, sẽ tự ý mua thuốc theo "kinh nghiệm" để chữa bệnh. Hành động này cũng khiến việc lạm dụng thuốc giảm đau có chứa opioid khó kiểm soát hơn.

Thứ hai, những băng nhóm tội phạm lợi dụng tình hình hỗn loạn do đại dịch, đã nhúng tay vào thao túng thị trường thuốc kê đơn trên chợ đen. Chúng tận dụng việc người dân không thể nhập viện điều trị, không thể đi đến các hiệu thuốc trong thời gian áp dụng lệnh phong tỏa để bán các loại thuốc giảm đau qua những trang web bán hàng trực tuyến. Chúng khiến cho loại thuốc này trở nên dễ mua, dễ sử dụng và cũng dễ bị nghiện.

Thứ ba, cũng là nguyên nhân kéo dài nhiều năm nay, chính là do một bộ phận các bác sĩ và dược sĩ đã bắt tay với các hãng dược để kê thêm thuốc giảm đau gây nghiện có chứa opioid cho bệnh nhân, dù nhiều người thực sự không cần sử dụng loại thuốc liều lượng nặng đến như vậy.

Và thứ tư, nguyên nhân cuối cùng, là phần lớn người bệnh, trong đó có người Việt Nam, thường mua thuốc theo thói quen. 

Opioid không chỉ là câu chuyện ở Mỹ

Vì sao cuộc khủng hoảng nghiện thuốc giảm đau trầm trọng hơn trong năm 2020? - Ảnh 4.

Tập đoàn dược phẩm Purdue Pharma thừa nhận 3 tội danh liên quan đến sản xuất và phân phối bán sản phẩm thuốc giảm đau kê đơn OxyContin, bị cho là gây ra phần lớn nạn nghiện thuốc giảm đau tại Mỹ. Ảnh CNN

Với số dân 101 nghìn người, thành phố Lethbridge của Canada đang bị bóng đen của thuốc giảm đau gây nghiện che phủ. Trước khi dịch bùng phát ở Canada, giới chức thành phố Lethbridge ghi nhận chỉ khoảng 50 người tử vong vì sử dụng thuốc giảm đau có chứa opioid mỗi năm. Nhưng sau khi dịch COVID-19 bùng phát, số ca đã tăng gần gấp đôi. Lethbridge cũng vì thế mà trở thành điểm tổn thương nặng nề nhất ở tỉnh Alberta vì lạm dụng thuốc giảm đau gây nghiện.

Thuốc giảm đau có chứa opioid đã cướp đi sinh mạng của 904 người dân tỉnh Albertan trong 10 tháng đầu năm 2020, so với 627 người trong cả năm 2019.

Cơ quan y tế Alberta

Trong khi đó tại Anh, một trong những quốc gia châu Âu cũng bị opioid tăng thêm áp lực cho hệ thống y tế vốn đã kiệt quệ vì dịch COVID-19, cũng đang phải gồng mình xử lý tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau gây nghiện.

Thông tin được Tạp chí Dịch tễ học & Sức khỏe Cộng đồng công bố, cho thấy thuốc giảm đau có chứa opioid có hiệu quả cao đối với cơn đau cấp tính. Tỷ lệ đơn thuốc được kê tỷ lệ thuận với số ca mắc bệnh viêm khớp dạng thấp ở người dân tùy từng địa phương. Trung bình tại Anh, có hơn 30 liều thuốc giảm đau được kê trên 1000 người mỗi ngày.

Các nhà nghiên cứu thừa nhận con số đơn thuốc trên thực tế có thể còn cao hơn và lỗ hổng này rất khó kiểm soát được.

Cần cách tiếp cận mới để kiểm soát cuộc khủng hoảng nghiện thuốc giảm đau

Vì sao cuộc khủng hoảng nghiện thuốc giảm đau trầm trọng hơn trong năm 2020? - Ảnh 6.

Nguy cơ gây nghiện và thông tin về thành phần thuốc được khuyến cáo ghi ở bao bì để cánh báo người bệnh. Ảnh ABC news

Khó kiểm soát nhưng không phải là không có cách.

Cơ quan Quản lý Thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Anh (MHRA) đã vừa phải thông báo rằng tất cả các loại thuốc có thành phần opioid ở nước này kể từ giờ sẽ phải dán nhãn cảnh báo về nguy cơ nghiện và phụ thuộc vào thuốc nếu sử dụng lâu dài. 

Các nhãn sẽ ghi rõ rằng thuốc là một chất dạng thuốc gây nghiện và có thể có các triệu chứng giống như cai nghiện nếu mọi người ngừng dùng thuốc đột ngột.

Phương pháp này gần giống với việc in những hệ lụy của việc nghiện thuốc lá lên bao thuốc kèm những cảnh báo về các loại bệnh có thể mắc phải nếu nghiện thuốc lá. 

Giới chức Anh hy vọng bằng việc in thông tin cảnh báo nguy cơ nghiện thuốc giảm đau bên ngoài bao bì, sẽ khiến người dùng cân nhắc hơn trước khi "tự ý" đặt mua thuốc trên các trang bán hàng trực tuyến. Phương pháp này dường như cũng sẽ "đánh động" đến những dược sĩ trục lợi, nhắm mắt kê đơn cho bệnh nhân.

Cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau gây nghiện chưa khi nào lắng dịu, mà nó còn trở nên trầm trọng hơn trong một năm qua ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu – hai vùng dịch COVID-19 lớn nhất hiện nay. 

Với việc vaccine đang được tiêm chủng rộng rãi tại nhiều quốc gia, chính phủ các nước hy vọng có thể kiểm soát đà lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 cũng như điều trị được dứt điểm "những cơn sốt thuốc" đối với người mắc các bệnh cần dùng thuốc giảm đau.

Giờ bạn hãy thử nhớ lại xem, đã khi nào bạn tự ý mua thuốc có thành phần codein hay paracetamol để uống mà không cần đi khám bác sĩ chưa? Nếu có, bạn là một trong những người có nguy cơ cao nghiện thuốc giảm đau có chứa opioid!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước