Trận động đất có độ lớn 9,0 gây ra sóng thần ngày 11/3/2011 tại Nhật Bản đã khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại nghiêm trọng. Thảm họa kép này đã gây ra sự cố hỏng hệ thống làm mát và làm nóng chảy lõi hạt nhân các lò phản ứng số 1, 2 và 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đe dọa gây nổ nhà máy và làm rò rỉ chất phóng xạ. Để khắc phục sự cố này, các ngành chức năng Nhật Bản đã phải bơm 1,3 triệu tấn nước biển để làm mát các thanh nhiên liệu của lò phản ứng. Lượng nước làm mát này sau đó bị nhiễm chất phóng xạ và được tích trữ trong các bể chứa lớn. Tạp chí Nature đăng tải các nghiên cứu cho thấy nước làm mát lò phản ứng hạt nhân Fukushima chứa 64 nguyên tố phóng xạ đe dọa sức khỏe con người bao gồm carbon-14, iodine-131, caesium-137, cobalt-60 và hydrogen-3, hay còn được gọi là tritium.
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy, cho biết họ đã xây dựng hơn 1.000 bể chứa khổng lồ bằng thép không gỉ và đến nay các bể đã đầy, việc lưu trữ nước làm mát theo cách này là không bền vững. Tháng 4/2021, chính phủ Nhật Bản thông báo về kế hoạch xả lượng nước thải này ra Thái Bình Dương sau khi lọc bỏ hầu hết các thành phần phóng xạ độc hại. Đến tháng 7/2023, Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), công bố các báo cáo ủng hộ kế hoạch của Nhật Bản. Tuy nhiên bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích báo cáo của IAEA, cho rằng kết luận này là "mang tính một chiều". Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng bày tỏ quan ngại, đề nghị phía Nhật Bản cho phép các chuyên gia Hàn Quốc tới tham gia giám sát kế hoạch xả thải tại Fukushima. Bên cạnh đó, một số nhà khoa học, cộng đồng địa phương và những nhà hoạt động môi trường đã lên tiếng bày tỏ quan ngại.
Vậy tại sao kế hoạch của Nhật Bản gây tranh cãi gay gắt như vậy?
TEPCO thông báo lọc nước thải làm mát nhà máy điện hạt nhân Fukushima thông qua Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS). Quy trình ALPS giúp loại bỏ 62 trên tổng số 64 chất phóng xạ trong nước xuống dưới ngưỡng tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản. Những tiêu chuẩn này được đưa ra theo khuyến nghị của Ủy ban Quốc tế về Bảo vệ Phóng xạ. Mặc dù vậy, quy trình ALPS không loại bỏ được 2 nguyên tố phóng xạ là tritium và carbon-14 và chính là yếu tố gây lo ngại.
Tritium và carbon-14 là các đồng vị phóng xạ của hydro và carbon, rất khó tách khỏi nước. Chúng có ở khắp nơi trong môi trường tự nhiên, nước và cả trong con người, do chúng được hình thành trong bầu khí quyển của Trái Đất và có thể đi vào vòng tuần hoàn nước. Cả hai đồng vị này đều có nồng độ phóng xạ rất thấp nhưng có thể gây rủi ro nếu được hấp thụ với số lượng lớn. Tritium là chất phát bức xạ β, có thể làm hư hại cấu trúc gene của con người và các sinh vật khác. Mặc dù vậy, TEPCO khẳng định nồng độ tritium trong nước được xử lý giải phóng một lượng bức xạ thấp hơn so với liều lượng mà một hành khách phải tiếp xúc khi đi một chuyến bay khứ hồi từ New York đến Tokyo.
Nhật Bản muốn xả thải vì tritium có chu kỳ bán rã 12 năm, việc lưu trữ chúng trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ tai nạn rò rỉ mất kiểm soát, trong khi chưa có công nghệ nào có thể loại bỏ hoàn toàn tritium còn sót lại từ lượng nước lớn như vậy. Nước được lọc phải đi qua quy trình xử lý, được pha loãng với nước biển để giảm nồng độ của tritium và carbon-14 trước khi thải ra đại dương. Tokyo sẽ không xả tất cả nước thải cùng lúc. Theo lịch trình, chỉ 0,06 g tritium được xả vào Thái Bình Dương mỗi năm, qua một cống ngầm hướng ra biển. Kế hoạch xả thải của Nhật Bản dự kiến kéo dài tới 30 năm. IAEA sẽ là bên giám sát quá trình xả thải này. TEPCO cho biết hệ thống van của họ sẽ đảm bảo không có nước thải chưa pha loãng nào vô tình bị xả ra ngoài.
Nhật Bản quy định giới hạn nồng độ tritium trong nước thải là 1.500 Bq/l (becquerel/lít), thấp hơn 7 lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là 10.000 Bq/l đối với nước uống. TEPCO cho biết mức carbon-14 cũng sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn. TEPCO và chính phủ Nhật Bản đã tiến hành các nghiên cứu để chỉ ra rằng nước thải ra sẽ ít gây rủi ro cho con người và sinh vật biển.
Kĩ thuật viên TEPCO đo nồng độ triti trong nước sau khi xử lý với quy trình ALPS - Ảnh: Reuters
IAEA và nhiều cơ quan khác cho hay các nhà máy hạt nhân trên thế giới đều xả nước thải qua xử lý có hàm lượng tritium thấp một cách thường xuyên và an toàn, lập luận rằng tritium tồn tại ở tự nhiên, trong nước biển, nước máy, thậm chí trong cơ thể con người.
Tạp chí khoa học Nature dẫn ý kiến của ông Jim Smith, nhà khoa học môi trường tại Đại học Portsmouth, Vương quốc Anh, cho biết rủi ro mà quá trình xả nước thải của Nhật bản đối với các quốc gia xung quanh Thái Bình Dương có thể sẽ không đáng kể. "Tôi ngần ngại khi nói không có rủi ro gì, tuy nhiên theo tôi rủi ro gần như là bằng không." Nhà khoa học lập luận rằng, việc giữ nguyên hiện trạng, lưu trữ lượng nước thải khổng lồ tại nhà máy sẽ còn gây ra rủi ro lớn hơn vì nguy cơ xảy ra thảm họa thiên tai nào đó có thể khiến các bể chứa bị rò rỉ nước nhiễm xạ chưa được pha loãng ra môi trường tự nhiên.
Dù vậy, một số nhà khoa học lại cho rằng nước thải chứa tritium vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Giáo sư Tim Mousseau, khoa sinh học Đại học South Carolina, Mỹ, cho hay chưa có nghiên cứu đầy đủ nào về tác động của tritium đối với môi trường và thực phẩm, dù xả nước thải chứa phóng xạ là hoạt động phổ biến của các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới.
Ủy ban An toàn Hạt nhân Canada cho biết tritium không đủ mạnh để xâm nhập vào da, nhưng thừa nhận nó có thể làm tăng nguy cơ ung thư nếu cơ thể người hấp thụ với "lượng cực lớn". Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Mỹ cũng thừa nhận "bất kỳ phơi nhiễm phóng xạ nào đều có thể gây một số rủi ro sức khỏe", nhưng thêm rằng "ai cũng tiếp xúc với một lượng nhỏ tritium mỗi ngày".
Trong khi đó, ông Robert H. Richmond, giám đốc Phòng thí nghiệm biển Kewalo tại Đại học Hawaii, Mỹ, nhận định kế hoạch xả thải là "thiếu khôn ngoan". Ông Richmond là một trong năm nhà khoa học của ban cố vấn quốc tế, phối hợp cùng Diễn đàn Các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) để đánh giá kế hoạch xả thải của Tokyo.
Ông cho hay pha loãng nước thải chứa tritium có thể không đủ để giảm thiểu tác động lên sinh vật biển. Tritium có thể xâm nhập vào nhiều tầng của chuỗi thức ăn như thực vật, động vật và vi khuẩn, tích tụ trong hệ sinh thái biển.
Năm ngoái, Hiệp hội các Phòng thí nghiệm Hàng hải Mỹ ở Virginia, cũng lên tiếng phản đối kế hoạch xả thải của Nhật Bản, cho rằng kế hoạch này thiếu dữ liệu khoa học. Chính phủ Philippines cũng đã kêu gọi Nhật Bản xem xét lại việc xả nước ra Thái Bình Dương.
Ông Richmond, giám đốc Phòng thí nghiệm biển Kewalo tại Đại học Hawaii, Mỹ bày tỏ lo ngại tritium có thể tích tụ trong lưới thức ăn khi các sinh vật biển lớn ăn những sinh vật nhỏ hơn bị nhiễm xạ. Các nhà khoa học khẳng định, da người có thể ngăn chặn một phần bức xạ, tuy nhiên nếu con người ăn các sinh vật biển nhiễm phóng xạ thì các tế bào bên trong cơ thể người sẽ bị phơi nhiễm. Hãng tin Reuters cũng trích dẫn báo cáo năm 2012 của nhóm nghiên cứu đến từ các trường đại học Mỹ tìm ra bằng chứng phát hiện cá ngừ vây xanh nhiễm tritium ở Fukushima đã vượt Thái Bình Dương tới vùng biển ngoài khơi California, Mỹ.
Ông Shigeyoshi Otosaka, nhà hải dương học và nhà hóa học biển tại Viện Nghiên cứu Khí quyển và Đại dương của Đại học Tokyo nói rằng dạng tritium liên kết hữu cơ có thể tích tụ trong cá và các sinh vật biển. Tuy nhiên các nghiên cứu quốc tế vẫn đang được thực hiện và hiện tại chưa đủ căn cứ để xác định mức độ nguy hiểm đối với sức khỏe con người liên quan đến khả năng tích lũy sinh học từ phóng xạ trong sinh vật biển.
Hôm 11/7 vừa qua, Nhật Bản đã phát sóng một buổi livestream dài khoảng 12 giờ đồng hồ, ghi lại cảnh cá được nuôi trong các bể nước nhiễm xạ đã qua xử lý. TEPCO cho biết chưa phát hiện dấu hiệu gì bất thường của các loài cá nuôi trong môi trường nước nói trên. TEPCO sẽ tiếp tục so sánh sức khỏe của các sinh vật được nuôi trong nước đã xử lý pha loãng với những sinh vật được nuôi trong nước biển chưa được xử lý. Ngay sau đó, nhiều tờ báo của Nhật Bản đã đăng tải báo cáo về độ an toàn của việc xử lý nước thải phóng xạ. Truyền thông Nhật Bản cho biết, buổi phát sóng nói trên là một phần trong kế hoạch trị giá khoảng 20 triệu USD, nhằm trấn an dư luận về độ an toàn của kế hoạch xả nước thải phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
Tới thăm một cơ sở lọc nước thải để nuôi cá ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tái khẳng định, kế hoạch xả nước nhiễm xạ của Nhật Bản phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn, và có tác động phóng xạ "không đáng kể" với con người và môi trường.
Cơ quan quản lý An toàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc chỉ trích kế hoạch xả thải của Nhật Bản, nói rằng nước thải nhiễm phóng xạ từ nhà máy Fukushima có nguồn gốc từ nước dùng để làm mát lõi lò phản ứng hạt nhân sau vụ tai nạn, nước ngầm và nước mưa thấm vào lò phản ứng. Việc xử lý loại nước thải này rất phức tạp vì nó chứa nhiều loại chất đồng vị phóng xạ từ trong lõi lò phản ứng. Thông báo của cơ quan này nêu rõ: "Việc xả thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi có liên quan đến môi trường biển toàn cầu và sức khỏe cộng đồng. Việc này nên chịu sự giám sát công khai và minh bạch của quốc tế với sự tham gia của các bên liên quan". Trung Quốc đã yêu cầu Nhật Bản phải đạt được thỏa thuận với các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế trước khi xả lượng nước này.
Ngày 7/7, Hải quan Trung Quốc thông báo, sẽ cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 tỉnh của Nhật Bản vì lý do an toàn trong bối cảnh Nhật Bản có kế hoạch xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân đã qua xử lý ra biển. Tuyên bố của Hải quan Trung Quốc nêu rõ, Bắc Kinh sẽ kiểm tra nghiêm ngặt các giấy tờ của thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản từ các vùng khác nhau của Nhật Bản. Bắc Kinh sẽ liên tục tăng cường việc phát hiện và theo dõi chất phóng xạ để đảm bảo an toàn liên quan đến thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản.
Để giải quyết bất đồng xung quanh vấn đề xả nước thải Fukushima ra biển, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đã gặp nhau tại Indonesia vào ngày 14/7/2023, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á. Ngoại trưởng Hayashi đã đề nghị Trung Quốc thảo luận về vấn đề này "từ quan điểm khoa học".
Trái ngược với Trung Quốc, Hàn Quốc đã giảm nhẹ những lo ngại của mình và ngày 5/7/2023, Seoul cho biết họ tôn trọng kết quả đánh giá của IAEA. Nhưng sự thay đổi cách tiếp cận này đã khiến công chúng Hàn Quốc không hài lòng. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 80% người dân Hàn Quốc lo lắng về việc xả nước thải Fukushima. Trong các siêu thị và các khu chợ xuất hiện tình trạng gom mua muối do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn khi hoạt động xả thải diễn ra. Trên đường phố Seoul, hàng nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình, kêu gọi chính phủ hành động.
Ngày 12/7 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đề xuất với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho phép các chuyên gia của Hàn Quốc tham gia giám sát việc xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản ra biển. Đáp lại, Thủ tướng Kishida cho biết ông sẽ làm mọi cách có thể để đảm bảo sự an toàn của hoạt động xả nước thải và sẽ không xả nước thải có nguy cơ gây hại đến sức khỏe của người dân Nhật Bản và Hàn Quốc, hay tới môi trường. Ông Kishida cũng cam kết thông báo minh bạch và kịp thời kết quả việc giám sát xả thải. Ông cũng khẳng định rằng việc xả nước thải này được thực hiện theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), và cam kết trong trường hợp mức tập trung chất phóng xạ vượt quá giới hạn, sẽ lập tức ngừng xả nước thải và tiến hành các biện pháp phù hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!