Vaccine HPV: “Lá chắn” ngăn ngừa ung thư cho cả nam và nữ

Nguyễn Huyền (Theo ABC News)-Thứ bảy, ngày 25/05/2024 11:31 GMT+7

(Ảnh minh họa: Getty Images)

VTV.vn - Nghiên cứu mới cho thấy vaccine HPV có thể ngăn ngừa ung thư ở nam giới và nữ giới nhưng ở Mỹ, tỷ lệ tiêm chủng cho bé trai thấp hơn nhiều so với bé gái.

Vaccine HPV được phát triển để phòng ngừa ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và các chuyên gia cho rằng vaccine này cũng có thể ngăn ngừa các bệnh ung thư liên quan đến HPV ở nam giới. Nghiên cứu mới cho thấy nam giới được tiêm vaccine có tỷ lệ mắc ung thư miệng và họng thấp hơn so với những người không được tiêm. Đây là những bệnh ung thư thường gặp ở nam giới với tỷ lệ gấp đôi so với phụ nữ.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh 3,4 triệu người ở độ tuổi tương tự nhau - một nửa được tiêm vaccine và một nửa không được tiêm. Đúng như dự đoán, phụ nữ được tiêm vaccine có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung trong vòng ít nhất 5 năm sau khi tiêm phòng thấp hơn.

Đối với nam giới, việc tiêm vaccine cũng mang lại lợi ích. Nam giới được tiêm chủng ít mắc các bệnh ung thư liên quan đến HPV hơn, chẳng hạn như: ung thư hậu môn, dương vật, miệng và họng. Các bệnh ung thư này mất nhiều năm để phát triển nên số lượng mắc bệnh thấp. Có 57 trường hợp ung thư liên quan đến HPV ở nam giới không được tiêm vaccine - chủ yếu là ung thư đầu và cổ - so với 26 trường hợp ở nam giới đã được tiêm vaccine HPV.

“Chúng tôi cho rằng vaccine sẽ phát huy tác dụng tối đa trong 2 hoặc 3 thập kỷ tới”, Tiến sĩ Joseph Curry - đồng tác giả nghiên cứu, bác sĩ phẫu thuật tại Trung tâm Ung thư Sidney Kimmel ở Philadelphia - cho biết. Ông nói thêm: “Những gì chúng tôi đang chỉ ra ở đây là những tác dụng ban đầu”.

Kết quả của nghiên cứu này đã được Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ công bố vào ngày 23/5/2024 và sẽ được thảo luận vào tháng tới tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội này tại Chicago. Nghiên cứu sau đó cho thấy tỷ lệ tiêm chủng đang tăng nhưng nam giới vẫn đi sau nữ giới trong việc tiêm phòng HPV.

HPV, hoặc virus papilloma ở người, rất phổ biến và lây lan qua đường tình dục. Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV không có triệu chứng và tự khỏi mà không cần điều trị. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, mỗi năm có khoảng 37.000 trường hợp khác phát triển thành ung thư.

Ở Mỹ, vaccine HPV được khuyến cáo tiêm cho bé gái từ 11 hoặc 12 tuổi kể từ năm 2006 và cho bé trai cùng độ tuổi kể từ năm 2011. Ngoài ra, tiêm vaccine bổ sung được khuyến cáo cho bất kỳ ai trong độ tuổi từ 26 trở xuống chưa được tiêm chủng.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu đã xem xét tỷ lệ tiêm chủng HPV do chính bản thân và cha mẹ báo cáo ở trẻ vị thành niên và thanh niên trong một cuộc khảo sát lớn của chính phủ. Từ năm 2011 đến năm 2020, tỷ lệ tiêm chủng tăng từ 38% lên 49% ở nữ và từ 8% lên 36% ở nam.

Tiến sĩ Danh Nguyen tại Trung tâm Y tế Ung thư Toàn diện Tây Nam Đại học Texas ở Dallas, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Tỷ lệ tiêm vaccine HPV ở nam thanh niên đã tăng hơn 4 lần trong thập kỷ qua, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng ở nam thanh niên vẫn thấp hơn nữ giới”.

Tìm ra phương pháp điều trị tiềm năng cho các bệnh nhân nhiễm HPV Tìm ra phương pháp điều trị tiềm năng cho các bệnh nhân nhiễm HPV Trung Quốc cho phép lưu hành vaccine HPV sản xuất trong nước Trung Quốc cho phép lưu hành vaccine HPV sản xuất trong nước FDA tăng tuổi tiêm vaccine HPV đến 45 tuổi FDA tăng tuổi tiêm vaccine HPV đến 45 tuổi

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước