Biến đổi khí hậu sẽ chiếm vị trí trung tâm của Hội nghị thượng đỉnh G20, trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều hơn những hiện tượng thời tiết bất thường, gây hậu quả nghiêm trọng.
Chị Rekha Devi, 30 tuổi, đang lo lắng cho gia đình trong những ngày sắp tới. Họ sẽ ở đâu nếu bị buộc phải di dời khỏi nơi ở tạm dưới chân cầu vượt, trong khi nhà của họ vẫn chìm trong nước sau những trận mưa như trút hồi tháng 7 vừa qua.
Lũ lụt làm hơn 100 người thiệt mạng tại miền Bắc Ấn độ, buộc hàng nghìn người, trong đó có hai vợ chồng chị Davi và 6 đứa con nhỏ phải di dời.
Chị Rekha Devi, nạn nhân lũ lụt, cho biết: "Nước lũ lên nhanh quá nên chúng tôi không kịp mang gì theo. Dụng cụ làm việc của chồng tôi bị lũ quấn trôi. Đồng phục, sách vở, cũi, nệm… của các con tôi cũng mất hết".
Nơi ở tạm của nhà chị Devi cách địa điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 khoảng 10 km. Hội nghị sẽ là cơ hội quan trọng để các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới quyết định cách bảo vệ tốt hơn cho người dân trước tình trạng biến đổi khí hậu.
Còn rất nhiều điểm nghẽn trong một nỗ lực toàn cầu về ứng phó với biển đổi khí hậu, trong đó có các vấn đề như hạn chế khí thải, tăng quy mô nhiên liệu tái tạo, giảm dần nhiên liệu hóa thạch và tăng viện trợ cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất
Bà Madhura Joshi, nhà phân tích năng lượng, nói: "Tôi hy vọng tại Hội nghị thượng đỉnh G20, các nhà lãnh đạo sẽ gạt sang bên những khác biệt chính trị để có thể đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ hơn như tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo toàn cầu".
Dự kiến, nhiều nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh, Thái tử Saudi Arabia cùng các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Australia, Pháp, Đức... sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ trong hai ngày 9 - 10/9.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!