Ứng phó biến đổi khí hậu: Tính lại giải pháp

TTXVN-Thứ tư, ngày 02/10/2019 11:23 GMT+7

VTV.vn - Số dân sống tại các vùng thường xuyên đối mặt với tình trạng ngập lụt ở châu Á được dự đoán sẽ tăng hơn hai lần trong giai đoạn năm 2000-2060.

Lụt lội luôn là vấn đề "nhức nhối" đối với nhiều thành phố ở châu Á. Do trái đất nóng lên, mực nước biển dâng cao, các cơn mưa dông nặng hạt cũng xảy ra thường xuyên hơn và những cơn lốc nhiệt đới ngày càng dữ dội. Trong bối cảnh đó, các thành phố ven biển ở châu Á buộc phải xem lại hệ thống phòng chống bão lũ của mình.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), số dân sống tại các vùng thường xuyên đối mặt với tình trạng ngập lụt ở châu Á được dự đoán sẽ tăng hơn hai lần trong giai đoạn năm 2000-2060. Trong 20 thành phố được dự đoán sẽ bị thiệt hại nặng nề nhất do lũ lụt trong giai đoạn 2005-2050, có tới 13 thành phố ở châu Á.

Jakarta là ví dụ về cách ứng phó điển hình với những thay đổi của thời tiết. Sau trận lũ thảm họa năm 2013, Tổng thống lúc bấy giờ của Indonesia đã chỉ thị cho các bộ trưởng hành động quyết liệt hơn. Kết quả là kế hoạch tổng thể phát triển đê biển tại thủ đô Jakarta (còn gọi là đê biển khổng lồ NCICD) ra đời, một đại dự án có giá trị 40 tỷ USD, bao gồm một bức tường chắn sóng dài 25km và 17 đảo nhân tạo bao quanh Vịnh Jakarta.

Đây là một kế hoạch gây tranh cãi vì chi phí khổng lồ cũng như những thiệt hại mà nó gây ra cho hệ thống sinh thái biển ở khu vực này. Có một thực tế là kế hoạch đó lại không thể giải quyết nguyên nhân then chốt gây ra lụt lội ở Jakarta, đó là tình trạng sụt lún. Chuyên gia địa chất Heri Andreas của Viện công nghệ Bandung cho biết, dù mực nước biển chỉ tăng 0,8cm/năm nhưng nhiều nơi ở ven biển phía Bắc Jakarta đang chìm đi 25cm/năm.

Ít nhất 40% dân số ở đây đang tận dụng nguồn nước ngầm, vì họ không tiếp cận được với nguồn nước máy hoặc nguồn nước của họ không đảm bảo độ an toàn. Hoạt động đào giếng tìm kiếm mạch nước ngầm là nguyên nhân chính gây ra tình trạng sụt lún. Hiện 40% Jakarta đang ở dưới mực nước biển, đồng nghĩa với việc lượng nước trong hệ thống thoát nước đáng lẽ phải được thoát ra vịnh thì vẫn nằm trong thành phố. Khi Jakarta lún xuống, nó kéo theo cả hệ thống đê của thành phố này.

Tháng 8 vừa qua, Chính phủ Indonesia đã thay đổi chiến thuật với kế hoạch làm sạch nguồn nước chung của Jakarta và kết nối toàn bộ thành phố với nguồn nước này để ngăn chặn tình trạng đào tìm nguồn nước ngầm. Kế hoạch NCICD cũng được điều chỉnh. Bức tường chắn sóng sẽ không bao quanh vịnh Jakarta nữa và kế hoạch xây đảo nhân tạo cũng được hủy bỏ. Nhờ vậy, chi phí của dự án đã giảm đi một nửa. Jakarta không phải là thành phố duy nhất ở châu Á "chùn bước" trước những dự án quy hoạch lớn trong những năm gần đây, mà thay vào đó đưa ra những biện pháp kiểm soát lũ lụt "phải chăng" hơn.

Singapore gần đây đã hoàn tất một bể chứa nước khổng lồ dưới lòng đất với chi phí 227 triệu SGD (164 triệu USD). Thành phố này cũng tự hào với đập nước Marina Barrage. Công trình trị giá 226 triệu SGD này cũng được biến thành một điểm thu hút khách du lịch. Trong 10 năm qua, Singapore đã chi tổng cộng 2,4 tỷ SGD cho hệ thống thoát nước.

Nhưng khi thành phố nhỏ bé này đang dần hết không gian cho những đại công trình mới và những cơn bão lớn hơn có nguy cơ vượt quá khả năng xử lý của hệ thống thoát nước khổng lồ trên, thì Singapore đã phải suy tính lại cách xử lý lũ lụt của mình.

Năm 2006, Singapore đưa ra kế hoạch nâng cao khả năng hấp thụ nước của mình theo cách tự nhiên bằng cách chuyển đổi các kênh và bể chứa nước thành sông hồ và tạo ra các vùng đất ngập nước. Các đầm lầy có thể hấp thụ lượng nước từ các cơn lũ lớn, trong khi rừng đước có thể bảo vệ các thành phố gần bờ biển. Việc duy trì các phương án này có chi phí rẻ hơn nhiều so với việc xây dựng các con đê. Từ năm 2010-2018, Singapore đã hoàn tất 75 dự án phòng chống lũ lụt như vậy. Các thành phố khác ở châu Á với nguồn lực hạn chế để có thể theo đuổi các công trình chống lũ đắt tiền chắn hẳn sẽ làm theo Singapore.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước