Hơn 236,4 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 44,7 triệu ca mắc và hơn 724.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 55.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Nước Mỹ vừa chứng kiến cột mốc đau thương là hơn 700.000 người đã tử vong vì COVID-19. Chỉ trong vòng 3 tháng rưỡi, hơn 100.000 người đã chết, hầu hết là người không tiêm chủng dù Mỹ có đủ vaccine để tiêm miễn phí cho người dân. Mỹ ghi nhận trung bình 107.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, giảm so với hơn 150.000 ca chỉ trong tháng 9.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 5/10, nước này ghi nhận hơn 19.300 ca mắc mới COVID-19 và 285 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 33,87 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 449.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, trong số những người trưởng thành của nước này, 70% đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19 và 25% đã tiêm đầy đủ hai mũi. Trong tháng 9, Ấn Độ đã tiêm trung bình 7,9 triệu liều mỗi ngày. Bộ Y tế Ấn Độ khẳng định, chương trình tiêm chủng là một công cụ để bảo vệ các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trong nước trước dịch bệnh COVID-19. Chương trình này sẽ tiếp tục được đánh giá và theo dõi thường xuyên ở cấp cao nhất.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 598.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,47 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Tỷ lệ tử vong do COVID-19 hàng tuần của thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm qua. Theo dữ liệu thống kê của hãng tin AFP, trong tuần từ ngày 27/9 đến 3/10, thế giới đã ghi nhận 53.245 ca tử vong do mắc COVID-19, trung bình mỗi ngày có 7.606 ca. Đây là mức thấp nhất kể từ tuần bắt đầu từ ngày 31/10 đến ngày 6/11/2020. Điều này cho thấy, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm vào cuối tháng 8, sau khi lên tới khoảng 10.000 ca/ngày.
Cơ quan Quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) đã thông báo, những người có hệ miễn dịch yếu nghiêm trọng có thể được tiêm liều vaccine COVID-19 thứ ba của hãng Pfizer và Moderna, 28 ngày sau liều thứ hai. Trong khi đó, những người trưởng thành khỏe mạnh có thể được tiêm liều thứ ba của hãng Pfizer, 6 tháng sau liều thứ hai.
Hướng dẫn của EMA đã được chờ đợi từ lâu sau khi một số nước thành viên Liên minh châu Âu đã tự triển khai các chương trình tiêm liều tăng cường, khoảng 6 tháng sau 2 mũi tiêm đầu. Tuy nhiên, các nước này đang đưa ra các hướng dẫn rất khác nhau về đối tượng tiêm mũi thứ ba này. Hiện EMA cho biết vẫn cần thêm thông tin chứng minh chắc chắn hơn cho hướng dẫn của họ.
Nga đang cân nhắc tái áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch. (Ảnh: AP)
Ngày 5/10, Nga ghi nhận 895 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát. Nước này cũng có thêm 25.110 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua. Trước đó, giới chức Nga đã kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm vaccine và khẳng định, đây là cách duy nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Với tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, các nhà chức trách Nga đang cân nhắc tái áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch.
Cục Bảo vệ người tiêu dùng và sức khỏe con người Liên bang Nga thông báo hủy các sự kiện đại chúng đông người trên toàn nước Nga do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Thông báo nêu rõ, chỉ có 2 địa phương ở Nga được phép tổ chức các sự kiện đại chúng từ 1.000 - 3.000 người tham dự, các khu vực còn lại không được phép tổ chức do tình hình dịch bệnh ngày càng tồi tệ. Nga cũng đang kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm vaccine và khẳng định, đây là cách duy nhất để ngăn chặn dịch bệnh.
Nga hiện là tâm dịch lớn thứ năm thế giới với trên 7,6 triệu ca mắc và gần 211.700 người thiệt mạng vì COVID-19.
Cùng ngày, Bộ Y tế Ukraine thông báo, lần đầu tiên số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã vượt mốc 300 ca/ngày kể từ trung tuần tháng 5 vừa qua. Theo đó, nước này đã ghi nhận 317 ca tử vong mới và 9.846 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua.
Trong nhiều tuần qua, Ukraine đã chứng kiến số ca lây nhiễm mới gia tăng mạnh và các nhà chức trách nước này buộc phải thực hiện các biện pháp gắt gao. Tuần trước, số ca mắc mới theo ngày đã tăng lên gần 12.000 ca, mức cao nhất kể từ tháng 4. Ukraine đã ghi nhận tổng cộng gần 2,47 triệu ca mắc COVID-19 trong số 41 triệu dân, trong đó 57.206 bệnh nhân không qua khỏi. Hiện 5,82 triệu người dân Ukraine đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.
Trước đà tấn công không ngừng nghỉ của biến thể Delta, New Zealand đã chính thức từ bỏ chiến lược loại bỏ hoàn toàn COVID-19. Từ nay, New Zealand sẽ tìm cách vừa sống chung vừa kiểm soát virus SARS-CoV-2. Chiến lược 'Không Covid' đã giúp New Zealand cho đến nay có tỷ lệ ca mắc và tử vong vào hàng thấp nhất thế giới.
New Zealand vốn nằm trong số ít các nước đã đưa được số ca COVID-19 về 0 trong năm 2020, cho đến khi đợt dịch mới do biến thể Delta lây lan nhanh bùng phát hồi giữa tháng 8. Đợt dịch này dai dẳng đến mức các biện pháp dập dịch trở nên khó khăn. Hiện thành phố lớn nhất New Zealand là Auckland đang là tâm dịch và đã chịu cảnh phong tỏa trong gần 50 ngày nay. Tuy nhiên, Thủ tướng New Zealand cho biết, phong tỏa sẽ chỉ kết thúc khi 90% người đủ điều kiện được tiêm phòng. Hiện ở New Zealand mới có khoảng 48% được tiêm đủ.
Chính phủ Indonesia đã quyết định tiếp tục kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng cấp độ 1 đến 4 tại Java và Bali, cũng như tại một số khu vực bên ngoài hai hòn đảo đông dân này/ thêm 2 tuần, tới ngày 18/10. Hơn 100 huyện và thành phố tại Java và Bali sẽ tiếp tục thực hiện lệnh hạn chế cấp độ 3, trong đó có thủ đô Jakarta và 4 thành phố vệ tinh. Nguyên nhân là do tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 tại các khu vực này vẫn còn thấp.
Chính phủ Indonesia sẽ thử nghiệm triển khai lệnh hạn chế cấp độ 1 hoặc "bình thường mới" tại thành phố Blitar thuộc tỉnh Đông Java vì địa phương này đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine mũi thứ nhất cho 70% dân số và 60% số người cao tuổi.
Trong thông báo ra ngày 5/10, Bộ Y tế Malaysia cho biết, lần đầu tiên kể từ tháng 7, số ca tử vong của nước này giảm xuống còn 2 con số, xuống còn 76 ca. Hiện tổng số ca tử vong của nước này là 26.759 trong tổng số trên 2,28 triệu trường hợp nhiễm.
Thái Lan tiêm vaccine cho lao động nhập cư. (Ảnh: AP)
Ngày 5/10, Hiệp hội Chữ thập đỏ Thái Lan khởi động chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người lao động nhập cư, một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất ở nước này. Chiến dịch dự kiến kéo dài đến cuối tháng 10 và có khoảng 5.000 người được tiêm chủng trong đợt này. Đến nay, khoảng 300 người lao động nhập cư và một số ít người tị nạn không có giấy tờ tại Thái Lan đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Dữ liệu chính thức của Chính phủ Thái Lan cho thấy hiện nước này có khoảng 2,35 triệu người nhập cư có giấy phép làm việc. Tuy nhiên, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ước tính con số này lên đến 4-5 triệu người.
Chính phủ Lào đang khẩn trương triển khai kế hoạch phân bổ và tiêm vaccine cho các nhóm đối tượng, trong đó có việc tiêm lưu động tại thủ đô Vientiane khi số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại nước này tăng mạnh trong những ngày qua. Ngoài các nhóm đối tượng phổ thông, 3 nhóm đối tượng gồm phụ nữ mang thai 12 tuần trở lên, phụ nữ đang cho con bú và người 17 tuổi được phép tiêm vaccine ngừa COVID-19. Đối với phụ nữ sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ, tất cả vaccine được phê duyệt hiện nay không sử dụng virus còn sống, do đó không có nguy cơ lây nhiễm virus sang trẻ qua sữa mẹ.
Tính đến 3/10, trên 3 triệu người tại Lào đã được tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 và có hơn 2,1 triệu người đã được tiêm đủ hai mũi. Thủ đô Vientiane có hơn 520.000 người được tiêm một mũi và hơn 380.000 người đã tiêm đủ hai mũi vaccine.
Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 454 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 450 trường hợp cộng đồng tại nhiều tỉnh, thành. Thủ đô Vientiane vẫn là điểm nóng khi liên tục có số ca nhiễm cao nhất với 166 ca cộng đồng trong ngày 5/10. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 25.524 trường hợp, có 22 trường hợp tử vong.
Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Campuchia cho biết, tính đến ngày 4/10, hơn 13,5 triệu người, tương đương 84% trong tổng số dân khoảng 16 triệu người của Campuchia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.
Trong thông cáo ngày 5/10, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có 12 ca tử vong và 228 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 3 người nhập cảnh và 225 trường hợp lây nhiễm cộng đồng. Như vậy, tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 113.703 ca mắc COVID-19, trong đó 105.350 người đã khỏi bệnh và 2.418 người tử vong. Mặc dù số ca mắc COVID-19 giảm nhưng giới quan sát lo ngại, dịch bệnh sẽ tăng trở lại sau dịp nghỉ Lễ Pchum Ben kéo dài từ ngày 5 - 7/10.
Hàn Quốc từ ngày 5/10 bắt đầu tiếp nhận đặt lịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ nước này nhằm đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.
Đối tượng được khuyến nghị nên tiêm chủng là những thanh thiếu niên có bệnh lý nền như tiểu đường trẻ em, béo phì, tim mạch, bệnh hô hấp mãn tính do nguy cơ diễn biến nặng khi mắc COVID-19 cao gấp 2 lần so với trẻ đồng trang lứa khỏe mạnh bình thường. Trẻ em, thanh thiếu niên khỏe mạnh có thể tiêm phòng vaccine theo nguyện vọng cá nhân và người bảo hộ.
Theo thống kê, số lượng trẻ em và thanh thiếu niên Hàn Quốc mắc COVID-19 đang có chiều hướng tăng kể từ khi làn sóng lây nhiễm thứ 4 bùng phát ở nước này. Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã hoàn tất tiêm chủng mũi 1 cho hơn 77% dân số.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo, trong ngày 5/10, nước này đã tiêm thêm 873.000 liều vaccine ngừa COVID-19, nâng tổng số liều vaccine tiêm chủng tại nước này lên 2,215 tỷ liều.
Trung Quốc đại lục thông báo ghi nhận 26 ca mắc mới, tuy nhiên không có người lây nhiễm cộng đồng mới trong 24 giờ qua. Trước đó, vào ngày 4/10, Trung Quốc báo cáo 3 ca mắc mới trong cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!