Theo Cơ quan đăng ký cư trú của Bộ Hành chính và An ninh Hàn Quốc, tính đến cuối tháng 12/2023, số hộ gia đình độc thân đã tăng lên 9,93 triệu từ 9,72 triệu của năm 2022.
Chỉ trong vòng 1 năm, số hộ gia đình chỉ có 1 người đã tăng lên 211.344. Con số này thực tế còn cao hơn mức tăng trưởng của tổng số hộ gia đình ở Hàn Quốc trong cùng thời kỳ, vốn chỉ tăng 209.037 hộ, từ 23,7 triệu lên 23,8 triệu.
Một quan chức của Bộ Hành chính và An ninh Hàn Quốc cho biết: "Thực trạng tăng số lượng hộ gia đình độc thân phần lớn là do sự gia tăng số người cao tuổi chưa lập gia đình và sống một mình".
Vào tháng 8/2023, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc thông tin 1,97 triệu người Hàn Quốc từ 65 tuổi trở lên đang sống một mình. Điều này đã đặt ra viễn cảnh 21,8% tổng số người cao tuổi trong nước sống một mình.
Tổng số hộ gia đình một người gần đây theo dữ liệu của Bộ Hành chính và An ninh Hàn Quốc nhiều hơn đáng kể so với con số mà Cục Thống kê Hàn Quốc công bố vào năm 2022, trong đó dự kiến rằng 34% số hộ gia đình vào năm 2022 là có một cá nhân.
Hàn Quốc gia tăng số người cao tuổi chưa lập gia đình và sống một mình. (Ảnh: Yonhap)
Dữ liệu của Bộ này cũng cho thấy quy mô hộ gia đình thông thường của Hàn Quốc đang giảm, với số thành viên trung bình trong một hộ gia đình giảm từ 2,17 vào năm 2022 xuống còn 2,15 trong năm 2023.
Số lượng hộ gia đình có số thành viên lớn hơn đều giảm: hộ gia đình 4 người và hộ gia đình 5 người đều giảm, lần lượt từ 3,257 triệu xuống 3,148 triệu và 776.259 xuống 743.232. Trong khi dó, số lượng gia đình với quy mô nhỏ hơn đang gia tăng khi hộ gia đình 2 người và 3 người đều tăng, lần lượt từ 5,744 triệu lên 5,866 triệu và từ 4,015 triệu lên 4,029 triệu.
Hàn Quốc cần điều chỉnh chính sách hướng đến đối tượng hộ gia đình độc thân thay vì quản lý toàn bộ các gia đình theo mô hình truyền thống, đây là kết luận từ báo cáo nghiên cứu về sự thay đổi cơ cấu gia đình của Ủy ban Hội nhập quốc gia Hàn Quốc.
Tính đến năm 2022, tổng số hộ gia đình độc thân ở Hàn Quốc là hơn 7,5 triệu hộ, chiếm hơn 1/3 tổng số hộ gia đình nói chung. Tỷ lệ này đã tăng gần gấp 4 lần sau 3 thập kỷ, hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong xã hội Hàn Quốc. Mặc dù cơ cấu gia đình Hàn Quốc đã thay đổi mạnh nhưng việc cập nhật chính sách với đối tượng này còn chậm.
Các hộ gia đình độc thân dễ bị tổn thương về nhà ở, sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng và mạng lưới xã hội so với các hộ gia đình nói chung. Do đó, các chuyên gia kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc cần có cơ cấu để kiểm soát chính sách nhằm cải thiện những mối lo lắng cho người độc thân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!