Các nước châu Âu đều có chính sách khuyến khích người khuyết tật tìm việc làm phù hợp và bắt buộc doanh nghiệp phải tuyển dụng một tỷ lệ nhất định người khuyết tật. Nhân sự kiện này, báo chí châu Âu đã có nhiều bài viết bàn luận về chính sách trên.
Theo tờ Người Paris, một bộ luật có từ năm 2005 bắt buộc các doanh nghiệp có nhiều hơn 19 nhân công phải có ít nhất 6% tổng số nhân công là người khuyết tật, tất nhiên có những ngành rất khó sử dụng tới số lượng này. Tuy nhiên, nếu không đạt được tỷ lệ 6% bắt buộc, luật cho phép bỏ tiền ra mua lại chỉ tiêu của những doanh nghiệp khác có số người tàn tật nhiều hơn 6% tổng số nhân công.
Khoảng 85% người lao động tàn tật là do tai nạn hay bệnh tật. Tờ Tiếng vang viết rằng, trong nhà máy sản xuất động cơ máy bay Safran, việc gặp kỹ sư hay thợ máy tàn tật là chuyện khá bình thường. Nhiều người có những khiếm khuyết như: kém tai, kém mắt hay tự kỷ vẫn làm việc trong nhà máy sản xuất lốp xe hơi Michelin. Tuy nhiên, tờ báo cũng cho biết thêm, vẫn có khoảng 8% doanh nghiệp Pháp chấp nhận bỏ tiền ra mua chỉ tiêu, không thuê người tàn tật.
Một lý do làm cho tỷ lệ thất nghiệp ở người tàn tật cao gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp chung là vì trình độ học vấn. Chỉ có khoảng 1/4 tổng số người tàn tật có bằng tốt nghiệp phổ thông. Các nước châu Âu động viên người tàn tật học nghề bằng nhiều cách. Các trường đại học và dạy nghề buộc phải lắp đặt những thiết bị giúp học sinh tàn tật di chuyển dễ dàng hơn, nghe nhìn dễ dàng hơn, khi cần sẽ có người phiên dịch bài giảng ra ngôn ngữ ký hiệu... Điều này nhằm giúp người khuyết tật có một nghề, có thể độc lập và tự tin hơn trong cuộc sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!