Tuần hành kỷ niệm Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, tại Mexico City, ngày 25/11. (Ảnh: AP)
Đây được coi là dịp để những cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ tại nhiều quốc gia phát động các chiến dịch đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
Liên hợp quốc và các nước trên thế giới đã có nhiều cố gắng trong việc phòng chống bạo lực gia đình và ban hành nhiều văn kiện pháp lý liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình.
Hiện đã có 89 nước trên thế giới có các quy định pháp luật riêng về chống bạo lực gia đình; 7 nước có luật riêng về bạo lực chống lại phụ nữ. Tuy nhiên, ở khắp nơi trên thế giới, phụ nữ vẫn là nạn nhân của bạo lực gia đình. Bạo lực về thể chất, nhất là bạo lực tình dục đối với phụ nữ đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Cô Anais López, nhà hoạt động vì nữ quyền, nói: "Bạo lực đối với phụ nữ đang ngày càng gia tăng. Vấn đề này làm hạn chế khả năng của phụ nữ tham gia vào đời sống cộng đồng, cơ hội học tập, làm việc và phát triển toàn diện của phụ nữ. Đó là lý do tại sao các quốc gia cần có biện pháp ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ, đem lại công bằng cho các nạn nhân".
Cô Yessica Munoz, nhà hoạt động vì nữ quyền, chia sẻ: "Hôm nay là một ngày rất quan trọng, để phụ nữ có thể lên tiếng về bạo lực và kêu gọi một thế giới không bạo lực cho tất cả chúng ta, để phụ nữ có thể có một cuộc sống hạnh phúc, không lo sợ".
Mặc dù bạo lực có thể xảy ra với bất cứ ai nhưng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái lại là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến và lan rộng nhất.
Theo Giám đốc điều hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, các cuộc xung đột, khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu đang "đổ thêm dầu vào lửa", làm tình trạng bạo lực gia tăng và khiến phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!