Quyết định này của Trung Quốc được cho là nhằm chuẩn bị ứng phó với những hạn chế xuất khẩu mới nhất từ Mỹ và các đồng minh, đảm bảo việc mở rộng sản xuất chip, phát triển các công nghệ tiên tiến mà không bị giới hạn bởi quy định của các nước phương Tây.
Theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu công cụ sản xuất chip của nước này trong tháng 6 và tháng 7 đạt tổng cộng gần 5 tỷ USD, tăng 70% so với 2,9 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu máy in thạch bản Hà Lan của Trung Quốc đã tăng vọt. Số lượng máy in thạch bản - chủ yếu từ công ty ASML - mà Trung Quốc nhập khẩu tăng gần 65%, lên 2,58 tỷ USD. Doanh số 7 tháng đầu năm đã vượt quá dự đoán cả năm 2023 của ASML.
Hầu hết hàng nhập khẩu đến từ Hà Lan và Nhật Bản, hai quốc gia đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với thiết bị sản xuất chip trên cơ sở hợp tác với Mỹ để làm chậm tiến độ phát triển công nghệ của Trung Quốc.
Các hạn chế có nghĩa là để mua một số công cụ, các công ty Trung Quốc sẽ phải xin giấy phép trực tiếp từ Chính phủ Hà Lan và Nhật Bản, điều này được cho là gây khó khăn cho các nhà sản xuất chip Trung Quốc. Nhật Bản bắt đầu thực thi các hạn chế của mình vào ngày 23/7, trong khi các hạn chế của Hà Lan sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9. Chính vì vậy, quyết định nhập khẩu số lượng lớn các thiết bị này từ sớm trước khi quyết định cấm xuất khẩu của Hà Lan và Nhật Bản có hiệu lực đã cho thấy Trung Quốc muốn tăng dự trữ các thiết bị bán dẫn, hạn chế tối đa những gián đoạn tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng.
Tăng cường tự chủ ngành công nghiệp bán dẫn
Trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt, Mỹ và các đồng minh gia tăng các hạn chế xuất khẩu liên quan vật liệu công nghệ cao nhằm vào Trung Quốc, chính phủ và các công ty Trung Quốc buộc phải đặt mình trong cuộc đua hướng tới động lực tự cung tự cấp chất bán dẫn đầy tham vọng, từ định hướng chiến lược, nỗ lực cho ra đời các sản phẩm mới tiên tiến, cho đến cung cấp tài chính. Mục đích cuối cùng là tự chủ, hạn chế tối đa những gián đoạn đối với kế hoạch mở rộng sản xuất chip của mình.
Tờ Thời báo hoàn cầu cho biết, nhờ quyết tâm phát triển chuỗi công nghiệp sản xuất chip của riêng mình, năng lực sản xuất chip cấp thấp của Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng. Trong khi đó, những tác động từ căng thẳng Mỹ - Trung trong lĩnh vực công nghệ cũng đã buộc Trung Quốc tăng cường đổi mới độc lập và tiến bộ công nghệ, đặc biệt là xây dựng hệ thống sản xuất chip của riêng mình để tránh bị cắt các nguồn linh kiện chủ chốt trong tương lai.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, để thúc đẩy khả năng tự cung cấp chất bán dẫn, các nhà thiết kế chip hàng đầu của Trung Quốc thành lập liên minh bằng sáng chế. Cụ thể, các doanh nghiệp ngành chip như T-Head, VeriSilicon và 7 công ty khác của Alibaba đã công bố thành lập liên minh bằng sáng chế tại diễn đàn công nghiệp RISC-V ở Thượng Hải, mục tiêu là tiếp tục phát triển kiến trúc nguồn mở để giúp đạt được mục đích lâu dài là tự cung cấp chất bán dẫn.
Cũng về vấn đề này, tờ Nikkei cho biết, các nhà điều hành công nghệ sản xuất chip Trung Quốc kêu gọi tự cung tự cấp chuỗi cung ứng nhiều hơn. Một số công ty đặt mục tiêu này cao tới 70% vào năm 2035 để đảm bảo các hoạt động không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.
Liên quan đến các nỗ lực phát triển ngành bán dẫn, trang ETF trends thì cho biết, các nhà khoa học ở Trung Quốc đã có thể phát triển các tấm bán dẫn mới mỏng hơn và hiệu quả hơn. Đây được nhận định là bước đột phá mới nhất của Trung Quốc có khả năng mang tính cách mạng, đặc biệt nếu chúng có thể được sản xuất hàng loạt để sử dụng trong các thiết bị điện tử tiêu dùng.
Về mặt tài chính, tờ Thế giới máy tính cho biết, trong nỗ lực mở rộng sản xuất chất bán dẫn của đất nước, Chính phủ Trung Quốc đang tăng tiền thưởng và hỗ trợ đáng kể cho các chuyên gia có trình độ trong lĩnh vực này.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, những hạn chế về xuất khẩu công nghệ cốt lõi sang Trung Quốc có thể trì hoãn sự phát triển chất bán dẫn tiên tiến của nước này trong một giai đoạn nhất định, nhưng sức ép trong cạnh tranh chiến lược với Mỹ cũng có thể mở ra "kỷ nguyên vàng" cho ngành sản xuất máy móc chế tạo vật liệu bán dẫn nội địa của Trung Quốc.
Ngoài ra, cuộc đối đầu Mỹ - Trung Quốc về công nghệ có thể tác động sâu rộng đối với châu Á, nơi sản xuất phần lớn vi mạch của thế giới, đồng thời mang đến cơ hội cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!