Tốc độ tăng trưởng trong quý 3 vừa qua của Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua và các số liệu được công bố gầy đây cho thấy, nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới vẫn đang tiếp tục đà tăng trưởng ngày càng chậm lại. Trước nguy cơ không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra và lo ngại nền kinh tế tăng chậm lại có thể dẫn đến những bất ổn kinh tế cũng như xã hội, chỉ trong vòng hơn một tháng qua, Chính phủ Trung Quốc đã liên tục triển khai một loạt biện pháp nhằm chặn đà tăng trưởng kinh tế ngày càng chậm lại.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 3 vừa qua chỉ đạt 7.3%. Đây là mức tăng trưởng cao trên thế giới trong bối cảnh hiện nay, nhưng đối với nền kinh tế đã duy trì mức tăng trưởng bình quân gần 10% trong vòng hơn 30 năm qua như Trung Quốc thì đây là quý tăng trưởng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho thấy, trong tháng 10 vừa qua, nền kinh tế nước này vẫn tiếp tục đà tăng trưởng chậm lại. Tốc độ gia tăng đầu tư tài sản cố định trong 10 tháng đầu năm đã xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua khi chỉ tăng 15.9%. Hai động lực tăng trưởng khác của nền kinh tế là tiêu dùng và xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ. Đặc biệt, thị trường bất động sản vẫn ảm đạm và tháng 10 vừa qua đã đánh dấu là tháng thứ 6 liên tục giá nhà ở đồng loạt giảm.
Ông Trương Kiến Cương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết: “Trước áp lực tăng trưởng kinh tế chậm lại ngày càng lớn, Trung Quốc không áp dụng các biện pháp kích thích ồ ạt như trước đây nhưng buộc phải sử dụng một số biện pháp có chọn lọc một cách tuần tự nhằm chặn đà tăng trưởng chậm lại. Vì nếu để kinh tế biến động lớn, tốc độ tăng trưởng xuống quá thấp có thể sẽ dẫn đến những rủi ro bất ổn xã hội cũng như kinh tế”.
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng từ giữa tháng 10 đến nay, Trung Quốc đã phê duyệt ồ ạt một loạt dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá lên đến gần 120 tỷ USD. Đặc biệt, cuối tuần qua Ngân hàng Trung ương nước này lần đầu tiên đã quyết định hạ lãi suất cơ bản trong vòng hơn 2 năm qua.
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc gần đây cũng đã liên tục cắt giảm nhiều loại phí nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và triển khai các biện pháp nhằm kích thích tiêu dùng trong lĩnh vực thông tin, du lịch, giáo dục và chăm sóc sức khỏe...
Trước đó, để ổn định tăng trưởng, Chính phủ Trung Quốc ngay từ giữa năm đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng đường sắt, nhà ở xã hội, các công trình thủy lợi; tiến hành miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như triển khai một loạt biện pháp ổn định xuất khẩu.
Ông Trương Kiến Cương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói: “Các biện pháp ổn định tăng trưởng có thể sẽ giúp Trung Quốc chặn được đà tăng trưởng chậm lại trong quý 4 năm nay. Tuy nhiên, áp lực tăng trưởng chậm lại trong năm 2015 vẫn rất lớn do thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc”.
Nhiều tổ chức quốc tế cũng như Trung Quốc dự báo, nền kinh tế có quy mô lớn thứ 2 thế giới trong năm nay có thể chỉ tăng trưởng 7.4%, mức thấp nhất trong vòng 24 năm qua và sẽ tiếp tục chậm lại trong năm 2015.
Trung Quốc đặt ra mục tiêu phải cân bằng giữa ổn định tăng trưởng và thúc đẩy cải cách. Trong bối cảnh tăng trưởng ngày càng chậm lại, ổn định tăng trưởng sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu và chương trình cải cách đầy tham vọng được dưa ra cuối năm ngoái có khả năng sẽ phải trì hoãn và kéo dài do nhiều biện pháp cải cách bắt buộc phải hy sinh tăng trưởng trong ngắn hạn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.