Trung Quốc đối mặt với đợt dịch lan rộng, xuất hiện đột biến mới lây lan nhanh hơn biến thể Delta

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ bảy, ngày 23/10/2021 06:43 GMT+7

Đến nay, hơn 243,6 triệu người trên toàn cầu đã mắc COVID-19. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 23/10, thế giới có trên 243,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,95 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 46,2 triệu ca mắc và hơn 755.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 45.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã đưa ra khuyến nghị về việc tiêm mũi vaccine tăng cường đối với những người đã tiêm vaccine của các hãng dược Moderna và Johnson & Johnson. CDC phê duyệt khuyến nghị trên sau khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ có văn bản hướng dẫn chính thức về loại vaccine sử dụng làm mũi tiêm tăng cường và tiêm kết hợp các loại vaccine.

Như vậy, CDC Mỹ đã khuyến nghị sử dụng cả 3 loại vaccine đang được tiêm chủng tại Mỹ làm mũi tăng cường, gồm các vaccine của Pfizer-BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson. Tính đến nay, tại Mỹ đã có khoảng 170 triệu người tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 sử dụng vaccine của Moderna hoặc Pfizer, chiếm 92% tổng số người đã tiêm chủng tại nước này.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 22/10, nước này ghi nhận hơn 16.300 ca mắc mới COVID-19 và trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 34,15 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 453.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 604.700 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,69 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Trong khi dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn trên thế giới, việc theo dõi sát các biến thể mới là hành động cấp thiết. Và mới đây, biến thể Delta đã được xác định là có một đột biến xuất hiện tại một số quốc gia, gây ra ít nhiều lo ngại. Chính phủ Anh cho biết đang theo dõi một đột biến của biến thể Delta, mang tên AY.4.2, hiện chiếm 6% số ca lây nhiễm tại nước này. Tính đến ngày 20/10, đã có 15.120 trường hợp nhiễm biến thể AY.4.2, biến thể lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 7, khi các hạn chế về COVID-19 được dỡ bỏ trên toàn nước Anh.

Mới đây, Israel cũng đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm đột biến AY.4.2. Ca nhiễm là một bé trai 11 tuổi, được phát hiện khi xét nghiệm COVID-19 sau khi về nước từ Moldova. Ngày 21/10, Nga thông báo đã phát hiện một số ca nhiễm biến thể phụ này. Ngay sau đó, nhà chức trách Israel đã có cuộc họp khẩn và thông báo sẽ tiến hành mọi biện pháp nhằm bảo vệ thành quả trong cuộc chiến chống dịch. Giới chức yêu cầu tăng cường điều tra dịch tễ đối với biến thể phụ và giữ liên lạc chặt chẽ với các nước đã phát hiện biến thể phụ này.

Hiện giới chức y tế ở những nước xuất hiện đột biến mới của biến thể Delta đang có những nhận định khác nhau. Các nhà khoa học cho rằng, chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này lây lan dễ hơn nhưng vẫn cần được lưu tâm. Giới chức y tế Israel cho biết, biến thể AY4.2 dễ lây lan hơn biến thể Delta gốc, nhưng chưa đáng lo ngại. Trong khi đó, các chuyên gia Nga cho biết, có khả năng biến thể AY 4.2 này sẽ lây lan rộng, có thể khiến số ca mắc mới COVID-19 ở Nga, hiện đã ở mức cao kỷ lục, tăng hơn nữa.

Sự gia tăng của các ca nhiễm mới ở các nước thành viên khu vực phía Đông Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là các nước vùng Baltic đang khiến hệ thống y tế nơi đây chịu áp lực ngày càng lớn, buộc Chính phủ những nước này lại phải đưa ra các biện pháp hạn chế về phòng dịch.

Tại Romania, các bệnh viện đang hoạt động quá tải do số ca bệnh tiếp tục tăng trong những tuần qua, đặc biệt số bệnh nhân được đưa vào khoa chăm sóc đặc biệt cao kỷ lục. Trong khi đó, Bulgaria cũng ghi nhận số nhiễm mới hàng ngày cao nhất kể từ cuối tháng 3 tại nước này với gần 5.000 trường hợp trong ngày 19/10 vừa qua. Litva, Latvia và Estonia cũng ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh.

Trung Quốc đối mặt với đợt dịch lan rộng, xuất hiện đột biến mới lây lan nhanh hơn biến thể Delta - Ảnh 1.

Bỉ đang đối mặt với làn sóng dịch lần thứ tư. (Ảnh: AP)

Đối mặt với số ca mắc mới COVID-19 có chiều hướng gia tăng, nhà chức trách Bỉ đang cân nhắc về tính hiệu quả của vaccine và tăng cường áp dụng các biện pháp giãn cách để tránh làn sóng nhập viện. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục tập trung cho công tác tiêm chủng đại trà, Bỉ vẫn duy trì rộng rãi các biện pháp đang được áp dụng như giấy chứng nhận an toàn với COVID-19, tiếp tục đeo khẩu trang trong không gian kín, giãn cách, làm việc từ xa...

Bên cạnh các biện pháp đang thực thi, nước này cũng sẽ áp dụng một số biện pháp mới như xét nghiệm với trẻ em để tránh lây nhiễm COVID-19 từ đối tượng này cho người thân trong gia đình.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có xu hướng gia tăng tại Bỉ. Ngày 22/10, nước này ghi nhận 6.239 trường hợp nhiễm bệnh mới. Theo các chuyên gia, Bỉ đang đối mặt với làn sóng dịch lần thứ tư.

Australia sẽ đón trở lại sinh viên và người lao động nước ngoài vài tuần trước khi cho phép khách du lịch tới đây vào dịp Giáng sinh năm nay. Theo Thủ tướng Australia, Chính phủ nước này sẽ đẩy nhanh kế hoạch cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào Australia, với việc bang lớn nhất New South Wales sẽ mở cửa cho công dân Australia, người có thị thực thường trú và gia đình từ ngày 1/11. Australia sẽ bắt đầu mở cửa biên giới cho sinh viên và người lao động nước ngoài vào cuối tháng 11, đầu tháng 12. Nếu việc mở cửa này diễn ra suôn sẻ, nước này sẽ tiếp tục đón nhận khách du lịch quốc tế vào dịp Giáng sinh.

Cho đến nay, gần 86% người dân trưởng thành ở Australia đã tiêm một mũi vaccine, trong khi tỷ lệ tiêm đủ hai mũi là 71%.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo, nước này sẽ áp dụng "hộ chiếu vaccine COVID-19" nhằm tạo điều cho các hoạt động đi lại của người dân. Theo đó, Chính phủ liên bang Canada và 10 tỉnh của nước này đã thống nhất có một tiêu chuẩn quốc gia về hộ chiếu tiêm chủng điện tử COVID-19, cho phép người dân đi lại trong và ngoài nước. Hộ chiếu vaccine điện tử của Canada sẽ bao gồm tên, ngày sinh và lịch sử tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó ghi rõ thời điểm và số liều vaccine đã tiêm.

Người dân Canada sẽ không được lên máy bay nội địa hoặc ra nước ngoài nếu không có giấy xác nhận đã tiêm phòng kể từ ngày 30/10 tới. Hiện đã có hơn 73% người dân Canađa đã tiêm phòng vaccine COVID-19 đầy đủ.

Latvia đã trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) áp dụng trở lại biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Biện pháp phong tỏa có hiệu lực đến hết ngày 15/11 tới. Theo đó, các cửa hàng không thiết yếu như rạp chiếu phim, tiệm cắt tóc phải đóng cửa trong một tháng. Các nhà hàng chỉ được phép bán đồ mang về. Hầu hết người lao động được yêu cầu làm việc từ xa, các trường học chuyển sang học trực tuyến Lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Tuần này, Latvia có ngày ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát với hơn 2.400 ca.

Ngày 22/10, Chính phủ Malaysia bắt đầu triển khai mũi tiêm vaccine tăng cường ngừa COVID-19 cho những cá nhân đã hoàn thành tiêm chủng với vaccine của hãng Sinovac ít nhất 3 tháng. Theo đó, những cá nhân này sẽ đủ điều kiện được tiêm mũi thứ 3 vaccine của Pfizer-BioNTech và sẽ được tiêm trên cơ sở tự nguyện.

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngày 22/10 thông báo nước này sẽ cho phép lao động nước ngoài quay trở lại làm việc sau gần 16 tháng gián đoạn do đại dịch COVID-19, cũng như cho phép một số du khách quay trở lại hòn đảo nghỉ dưỡng Langkawi. Đảo Langkawi đã trở thành địa điểm du lịch đầu tiên được thử nghiệm mở cửa đón du khách trở lại tại Malaysia sau khi quốc gia Đông Nam Á dần kiểm soát được chuỗi lây lan của đại dịch COVID-19 và từng bước hồi phục sau cuộc khủng hoảng. Sau 2 tuần đầu tiên mở cửa trở lại, từ ngày 16-30/9, hòn đảo du lịch nổi tiếng này đã đón 38.748 lượt du khách và doanh thu từ du lịch đạt 15,97 triệu RM (khoảng 3,82 triệu USD).

Đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng trên 2,4 triệu người mắc và 28.312 trường hợp tử vong vì COVID-19.

Từ ngày 1/11, Thái Lan miễn quy định cách ly phòng dịch COVID-19 đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ nhập cảnh từ 46 quốc gia, tăng so với danh sách ban đầu chỉ có khoảng 10 quốc gia. Quyết định trên được Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đưa ra trong bối cảnh nước này nỗ lực phục hồi ngành du lịch đang lao đao vì đại dịch COVID-19.

Theo quy định mới, bắt đầu từ tháng 11, Thái Lan mở rộng số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ được cho là có nguy cơ thấp lên 46 và du khách từ các khu vực này sẽ được miễn cách ly nếu đáp ứng đủ các yêu cầu do Thái Lan đặt ra. Các du khách có thể được miễn cách ly bắt buộc nếu họ đến Thái Lan bằng đường hàng không, đã được tiêm chủng đầy đủ và có giấy tờ chứng minh họ không mắc COVID-19. Các yêu cầu cách ly vẫn sẽ được áp dụng đối với những du khách từ các quốc gia không nằm trong danh sách được miễn.

Thủ tướng Thái Lan đã ra lệnh chấm dứt áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm tại 17 tỉnh, trong đó có thủ đô Bangkok, từ ngày 31/10 để hỗ trợ kế hoạch mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 tới Thái Lan từ đầu tháng 11.

Bộ Y tế Lào ngày 22/10 cho biết, trong 24 giờ qua, tại nước này đã có thêm 520 ca mắc COVID-19, trong đó có tới 518 trường hợp lây nhiễm cộng đồng, còn lại là người nhập cảnh được cách ly ngay. Số ca mắc mới này được ghi nhận ở 12 tỉnh, thành, điều này cho thấy, dịch bệnh đã lan ra nhiều địa phương. Đặc biệt, Bộ Y tế Lào lo ngại nguy cơ dịch lan rộng khi thủ đô Vientiane tiếp tục ghi nhận số ca lây nhiễm cộng đồng tăng cao trong một ngày với 289 ca.

Số quận và bản được quy định là "vùng đỏ" tại thủ đô tăng lên 9 quận với 225 bản. Điều đáng lo ngại là nhiều chuỗi lây nhiễm gần đây xuất phát từ các sự kiện có nhiều người tham gia, do không đảm bảo biện pháp phòng ngừa cần thiết. Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tiếp tục có phương án chuẩn bị trung tâm cách ly và cơ sở điều trị đầy đủ, lập ngân sách dự phòng để mua vật tư y tế, vaccine, thuốc điều trị và các thiết bị cần thiết. Tại các tỉnh có dịch lây nhiễm trong cộng đồng, cho phép cán bộ và công chức luân phiên trực ban hoặc làm việc trực tuyến.

Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 34.518 ca, trong đó có 49 người tử vong.

Trung Quốc đối mặt với đợt dịch lan rộng, xuất hiện đột biến mới lây lan nhanh hơn biến thể Delta - Ảnh 2.

Trung Quốc đang phải đối mặt với một đợt dịch mới lây lan rộng. (Ảnh: AP)

Cũng theo Bộ Y tế Lào, nước này đã nỗ lực phân bổ các thiết bị xét nghiệm PCR trên toàn quốc để cải thiện khả năng tầm soát virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh số ca mắc bệnh tiếp tục tăng cao, gây áp lực lớn cho các đơn vị xét nghiệm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế Lào đã cho phép các cơ quan có thẩm quyền đủ điều kiện được sử dụng thiết bị xét nghiệm nhanh để nâng cao năng lực xét nghiệm. Trong khi đó, cá nhân và các đơn vị dịch vụ y tế tư nhân trên cả nước bị cấm sử dụng thiết bị xét nghiệm nhanh COVID-19; trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật có liên quan.

Báo Khmer Times dẫn thông báo của Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia ngày 21/10 cho biết, Bộ này đã cho phép mở cửa trở lại tất cả các trường công và tư trên cả nước bắt đầu từ 1/11 tới, với điều kiện các trường học phải tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế nước này để ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh trong lớp học.

Các lớp học chỉ tập trung từ 15-20 học sinh để đảm bảo giãn cách, học sinh và giáo viên phải rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang trong suốt buổi học và tiếp tục không cho bán đồ ăn trong trường. Ngoài ra, Bộ này cũng không cho phép giáo viên chưa tiêm phòng COVID-19 được giảng dạy trực tiếp, nhưng có thể dạy trực tuyến cho học sinh, đồng thời khuyến khích giáo viên đi tiêm phòng sớm nhất có thể.

Để thu hút khách du lịch và nhà đầu tư đến Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đã chỉ đạo các Bộ, ngành nước này xem xét mở lại đường bay với một số nước thành viên ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines. Campuchia có kế hoạch mở cửa lại đất nước vào cuối năm nay sau những kết quả tích cực trong kiểm soát số ca nhiễm Covid 19 và tỷ lệ tiêm chủng đạt gần 86% tổng dân số.

Trong thông cáo ngày 22/10, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có 148 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 22 người nhập cảnh và 126 trường hợp lây nhiễm cộng đồng. Thông cáo cũng cho biết, đã có thêm 11 ca tử vong, trong đó có 7 người chưa tiêm vaccine phòng bệnh.

Ngày 22/10, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản ghi nhận thêm 26 ca mắc COVID-19, thấp nhất kể từ ngày 17/6/2020, trong khi số ca mắc mới trên toàn quốc vẫn tiếp tục giảm. Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, tính tới ngày 21/10, gần 96,41 triệu người ở nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó có gần 86,94 triệu người, chiếm khoảng 69% dân số, đã tiêm đủ hai mũi. Nếu loại trừ số trẻ em dưới 12 tuổi không thuộc diện tiêm vaccine COVID-19, tỷ lệ tiêm chủng ở nước này còn cao hơn nhiều.

Trung Quốc đã hủy hàng trăm chuyến bay, đóng cửa các trường học và tăng cường xét nghiệm đại trà. Mục tiêu là để tăng cường kiểm soát một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới liên quan một nhóm khách du lịch. Cụ thể, đợt bùng phát dịch mới nhất này liên quan đến một cặp vợ chồng cao tuổi trong một nhóm khách du lịch.

Khoảng 60% số chuyến bay đến hai sân bay chính ở Tây An và Lan Châu bị hủy. Chính quyền các địa phương đã triển khai xét nghiệm hàng loạt, đóng cửa những danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch, trường học và các địa điểm vui chơi giải trí tại những khu vực bị ảnh hưởng.

Dù đã tiêm đủ 2 mũi cho hơn 80% dân số nhưng Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với một đợt dịch mới lây lan rộng. Ngoài triển khai các giải pháp mạnh để khống chế dịch, nước này đẩy mạnh tiêm chủng mũi 3 (mũi tăng cường) cho những người trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi hơn 6 tháng, ưu tiên cho các đối tượng nguy cơ cao. Ít nhất 18 tỉnh/tổng số 31 tỉnh thành, khu tự trị ở Trung Quốc Đại lục tiêm mũi tăng cường, triển khai mạnh nhất là các địa phương giáp biên giới, địa phương trọng yếu. Nhiều chuyên gia cho rằng, do kháng thể sẽ giảm dần nên tiêm mũi tăng cường là cần thiết để tăng nồng độ kháng thể.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc báo cáo, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 28 ca dương tính nội địa, nhiều nhất là ở Nội Mông, Cam Túc. Hàng trăm chuyến bay từ vùng dịch bị hủy, nhiều điểm du lịch, vui chơi đóng cửa, xét nghiệm đại trà tại các ổ dịch. Thành phố Tây An 13 triệu dân xét nghiệm đại trà. Thủ đô Bắc Kinh cũng ghi nhận vài ca mắc sau hơn 2 tháng yên ắng. Nhiều tỉnh thành khuyến cáo người dân không ra khỏi tỉnh nếu không cần thiết. Nhiều sân bay bắt buộc hành khách phải xét nghiệm PCR âm tính trong 48 giờ.

Phát hiện kháng thể cực mạnh kháng virus SARS-CoV-2, các nước tăng tốc tích trữ thuốc điều trị COVID-19 Phát hiện kháng thể cực mạnh kháng virus SARS-CoV-2, các nước tăng tốc tích trữ thuốc điều trị COVID-19 COVID-19 cướp đi mạng sống của 180.000 nhân viên y tế trên toàn thế giới COVID-19 cướp đi mạng sống của 180.000 nhân viên y tế trên toàn thế giới Các quốc gia vùng Baltic dẫn đầu về số ca mắc COVID-19 mới tại EU Các quốc gia vùng Baltic dẫn đầu về số ca mắc COVID-19 mới tại EU

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước