Ô nhiễm nhựa đang là vấn nạn trên toàn cầu. (Ảnh: AP)
Kế hoạch do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cùng Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc đưa ra. Kế hoạch đã nêu chi tiết các biện pháp cắt giảm sản xuất và sử dụng nhựa, cùng các giải pháp thay thế nhựa và giảm đáng kể lượng rác thải nhựa trong các bãi chôn lấp trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, quốc gia này sẽ tăng cường khả năng tái chế và đốt rác thải nhựa theo quy trình, thúc đẩy các sản phẩm nhựa "xanh" và thực hiện hành động chống lại việc lạm dụng nhựa trong bao bì và nông nghiệp.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết, Trung Quốc cần cải thiện "toàn bộ chuỗi kiểm soát ô nhiễm nhựa", vốn được coi là vấn đề toàn cầu. Phát ngôn viên của NDRC cho biết, bản chất của ô nhiễm nhựa là chất thải nhựa rò rỉ vào môi trường tự nhiên như đất và nước và rất khó phân hủy, gây ô nhiễm thị giác, hủy hoại đất, ô nhiễm hạt vi nhựa và các nguy cơ môi trường khác.
Chai nhựa ngập trong một con mương, nơi nước lũ rút sau trận mưa lớn ở Tân Hương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Kế hoạch 5 năm mới sẽ khuyến khích các lĩnh vực chính của nền kinh tế, trong đó có bán lẻ, thương mại điện tử và chuyển phát nhanh cắt giảm mạnh việc sử dụng nhựa dùng một lần, sử dụng bao bì nhựa không hợp lý; nâng tỷ lệ đốt rác thải đô thị lên khoảng 800.000 tấn mỗi ngày vào năm 2025, tăng từ 580.000 tấn trong năm 2020.
Trung Quốc sẽ cấm sản xuất túi nhựa siêu mỏng trên toàn quốc cũng như các sản phẩm chăm sóc cá nhân có chứa hạt vi nhựa, vốn bị cấm ở Mỹ và châu Âu. Quốc gia này cũng sẽ thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm thay thế như tre, gỗ, giấy và nhựa phân hủy sinh học mới, đồng thời tăng tỷ lệ tái chế đối với mùn nhựa nông nghiệp lên 85%. Màng nhựa mỏng được sử dụng để bảo tồn nhiệt và độ ẩm trên khắp các khu vực phía Bắc của Trung Quốc, nhưng dư lượng của nó có thể gây ô nhiễm cây trồng và làm giảm độ phì nhiêu của đất.
Trung Quốc sản xuất hơn 60 triệu tấn nhựa mỗi năm, nhưng tỷ lệ tái chế chỉ khoảng 30%. Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc đã khuyến khích các thành phố lớn đưa ra những chính sách phân loại rác, xây dựng các nhà máy tái chế quy mô công nghiệp và cấm nhà hàng cũng như nền tảng thương mại điện tử sử dụng các sản phẩm dùng một lần như ống hút nhựa và túi mua sắm.
Luật Chất thải rắn mới tại Trung Quốc có hiệu lực vào năm 2020, trong đó tăng gấp 10 lần tiền phạt đối với người vi phạm và bắt buộc xây dựng cơ sở hạ tầng tái chế mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!