Trung Quốc cảnh báo trào lưu "nằm yên, mặc kệ đời" của giới trẻ

Theo Dân trí-Thứ hai, ngày 25/10/2021 18:16 GMT+7

"Nằm im và mặc kệ" ủng hộ lối sống không phải chịu áp lực (Ảnh minh họa: SCMP).

VTV.vn - Việc một bộ phận giới trẻ Trung Quốc gần đây ủng hộ trào lưu "nằm yên, mặc kệ sự đời" đã gây ra nhiều lo ngại và đặt ra những thách thức đối với đất nước tỷ dân này.

Theo SCMP, "tang ping", hay còn được gọi là "triết lý nằm yên", là cụm từ được nhắc tới với tần suất cao thời gian gần đây trên mạng Internet Trung Quốc.

Ngày 15/10, đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai lên án lối sống này: "Cần phải ngăn chặn sự trì trệ của các giai cấp xã hội, thúc đẩy sự dịch chuyển đi lên của xã hội, tạo cơ hội cho nhiều người trở nên giàu có hơn, và cải tiến một môi trường mà trong đó mọi người đều tham gia, tránh việc chỉ nằm yên một chỗ".

Giới quan sát nhận định, bình luận của ông Tập đã nhắm đến trào lưu mà họ cho rằng có thể trực tiếp gây ra thách thức với hệ tư tưởng "Giấc mơ Trung Hoa" mà ông nêu ra, hướng tới "sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc".

"Nằm yên và mặc kệ" là gì?

Xu hướng này ám chỉ lối sống chỉ nằm một chỗ, thay vì làm việc và lao động nâng cao năng suất xã hội. Thay vì cố gắng hướng tới học hành chăm chỉ, mua nhà hoặc lập gia đình, lối sống này cổ súy cho việc từ bỏ hết các mục tiêu và đơn giản là nằm yên một chỗ.

Một số người cho rằng đó là triết lý chống lại chủ nghĩa duy vật, một số nghi ngờ đó chỉ đơn giản là sự lười biếng, và những người khác cho rằng kiểu thái độ chống đối này là kết quả không thể tránh khỏi khi mọi người đã làm việc quá vất vả và mệt mỏi tới mức họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ.

"Nằm yên, mặc kệ đời" trở thành xu hướng từ tháng 4/2021, đặc biệt trong giới trẻ, sau một bài đăng trên mạng xã hội Baidu Tieba của thanh niên ngoài 20 tuổi Luo Huazhong mô tả về việc anh ta đã áp dụng lối sống tối giản này trong 2 năm qua.

Bài viết giải thích quan điểm của Luo về việc anh ta đã sống một cuộc đời ít ham muốn, sống không áp lực, không cần việc làm ổn định, và sống với cha mẹ ở tỉnh Chiết Giang. Khi cảm thấy có hứng, Luo đi tới một trường quay quy mô lớn ở Chiết Giang, nơi anh tìm được một công việc mà anh coi là hoàn hảo: Đóng vai xác chết trong phim.

"Khi tôi nói tới nằm yên, tôi không có ý là mình chỉ nằm xuống một chỗ ngày qua ngày mà không làm gì cả. Đó là một trạng thái tâm trí - khi tôi cảm thấy rất nhiều thứ không đáng với sự quan tâm và năng lượng của tôi", Luo giải thích.

Vì sao nhiều người đồng cảm?

Nhiều câu chuyện về những người Trung Quốc trẻ tuổi nhưng thiếu động lực sống sau đó đã xuất hiện. Trong số đó, một nhóm lao động di cư trẻ tuổi ở Thâm Quyến thừa nhận họ đã chán nản với việc làm nhà máy nhiều giờ mỗi ngày với đồng lương ít ỏi. Thay vào đó, họ chọn làm các công việc lao động có tính thời vụ và nhận luôn tiền mặt trong ngày.

Mục tiêu của họ là: "Với một ngày công, bạn có thể có được niềm vui trong 3 ngày". Bí quyết của họ là ngủ trong công viên, ăn mì ăn liền và ngồi lỳ trong các quán cung cấp dịch vụ internet cho tới khi nhẵn túi.

Trong thời đại mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện những bài đăng phàn nàn về cuộc sống khó khăn và mệt mỏi với việc mưu sinh, khái niệm "nằm yên" trở nên phổ biến.

"Tôi tự tạo ra triết lý sống cho riêng mình. Nằm yên là quyết định khôn ngoan của tôi", Luo giải thích.

Theo SCMP, lối sống này nhận được sự đồng cảm từ một bộ phận giới trẻ Trung Quốc khi họ bị ảnh hưởng bởi cuộc sống ngày càng khó khăn khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại hay hậu quả của đại dịch Covid-19.

Hàng triệu người trẻ Trung Quốc đang phải trải qua văn hóa lao động 996, tức là làm từ 9h sáng tới 9h tối, 6 ngày/tuần. Tuy nhiên, dù họ làm chăm chỉ cỡ nào, tương lai mua nhà vẫn xa vời với nhiều người và họ không thể đạt được sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc, dẫn tới cảm giác chán nản.

Thách thức với Trung Quốc

Từ nhóm lao động trí thức ở các thành phố lớn cho tới các sinh viên mới ra trường, không ít người trẻ ở Trung Quốc thời gian qua đã lên mạng xã hội tuyên bố rằng họ là những người theo triết lý "nằm yên, mặc kệ đời".

Chính quyền đã nỗ lực ngăn chặn tác động của trào lưu này, vì lo ngại nó có thể thách thức trật tự xã hội và kinh tế. Các chuyên gia cảnh báo, về lâu dài, xu hướng này không chỉ ảnh hưởng đến tiêu dùng và tăng trưởng của Trung Quốc mà còn làm giảm tỷ lệ sinh và đe dọa hệ thống phúc lợi xã hội của nước này.

Tiến sĩ Gavin Sin Hin Chiu, cựu phó giáo sư tại Đại học Thâm Quyến, nhận định rằng việc chính phủ Trung Quốc lo ngại là rất dễ hiểu: "Nếu trào lưu trở nên phổ biến, nó sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng của những người trẻ tuổi về tăng trưởng thu nhập, tiêu dùng, kết hôn và sinh con. Điều này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tránh bẫy thu nhập trung bình của Trung Quốc".

Ông Tập Cận Bình đã kêu gọi một xã hội mà "mọi người trong đó cùng tham gia xây dựng". Ông cũng nhắc tới khái niệm "thịnh vượng chung", cho rằng đã đến lúc Trung Quốc phải thúc đẩy mục tiêu là tất cả công dân đều có cơ hội trở nên giàu có.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi trào lưu trên là "đáng xấu hổ". Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Global Times, cho rằng: "Giới trẻ là niềm hy vọng của đất nước. Bản thân họ, và cả đất nước này, sẽ không cho phép họ nằm yên một chỗ".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước