Vào đúng ngày này 5 năm trước, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định bãi bỏ chính sách một con sau hơn 3 thập kỷ áp dụng. Quyết định này được đưa ra nhằm ứng phó với áp lực từ sự già hóa dân số ngày càng trầm trọng tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tính đến cuối năm 2019, dân số Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt mốc 1,4 tỷ người. Các số liệu thống kê cho thấy, có tổng cộng 14,6 triệu trẻ em được sinh ra trong năm ngoái, giảm 580 nghìn trẻ so với năm trước đó và là năm giảm thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, theo giới chức Trung Quốc, việc bãi bỏ chính sách một con đang dần mang lại những hiệu quả tích cực.
Ông Ning Jizhe - Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết: "Số trẻ em mới sinh giảm nhẹ so với một năm trước, giảm 580 nghìn trẻ. Con số này vẫn còn khá lớn, tuy nhiên, mức giảm đang dần thu hẹp so với 2 năm trước đó, nhờ những tác động tích cực từ chính sách sinh con thứ hai".
Trong số các gia đình hưởng lợi từ việc bãi bỏ chính sách một con, có chị Wang Rong - cư dân tại thành phố Thượng Hải. Với việc được sinh con thứ hai, chị có thể cho con mang họ của mình - thay vì họ của chồng, như đứa con đầu lòng. Điều này giúp chị hoàn thành tâm nguyện của cha mình.
Chính sách 1 con của Trung Quốc đã khiến nước này rơi vào tình trạng khủng hoảng nhân khẩu học. Ảnh: The New York Times
"Khi tôi sinh con trai đầu lòng, chính sách một con vẫn đang được áp dụng, và dĩ nhiên, chồng tôi muốn cháu theo họ của anh ấy. Đến khi được phép sinh con thứ hai, chồng tôi đã nói rằng, nếu sinh thêm con, con có thể mang họ của tôi", chị Wang Rong chia sẻ.
Tuy nhiên, ngay cả khi có đủ điều kiện về mặt tài chính, nhiều cặp vợ chồng tại Trung Quốc giờ đây chỉ đơn giản là không muốn sinh thêm con. Chia sẻ với trang mạng Sixth Tone - một bà mẹ tại Thượng Hải cho biết, chị không còn nhiều năng lượng để chăm sóc đứa con thứ hai và không muốn lặp lại những vất vả trước đó thêm một lần nữa. Đối với những ông bố bà mẹ này, các vấn đề đi kèm với việc nuôi dạy một đứa trẻ, như sức khỏe, sự thiếu hụt các dịch vụ chăm sóc trẻ em, sự cạnh tranh khốc liệt về chỗ học - đơn giản là quá nặng nề.
Thậm chí, theo Asia Times, hồi đầu năm nay, khi Thượng Hải bị phong tỏa vì dịch COVID-19 và người dân phải ở trong nhà, giới chức thành phố đã kỳ vọng rằng tỷ lệ sinh trong giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau sẽ tăng lên. Tuy nhiên, các bệnh viện cho biết, kể từ tháng 4, số phụ nữ mang thai đến khám vẫn không có sự gia tăng đáng kể.
Thực tế này đang đặt ra những thách thức lớn đối với Chính phủ Trung Quốc. Bởi theo các chuyên gia, tỷ lệ sinh thấp được duy trì trong thời gian dài sẽ gây ra tăng trưởng dân số âm, dẫn đến thách thức to lớn với hệ thống kinh tế và xã hội. Bắc Kinh sẽ cần nhiều hơn nữa các biện pháp hỗ trợ, từ tài chính cho tới cơ sở hạ tầng, để có thể thuyết phục các gia đình tại nước này sẵn sàng sinh thêm con.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!