Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 được Triều Tiên phóng từ sân bay quốc tế Bình Nhưỡng hôm 24/3. (Ảnh minh họa: Reuters)
Tuy nhiên, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc không báo cáo chi tiết về chủng loại cũng như tầm bắn của tên lửa.
Trước đó, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết đã phát hiện tên lửa đạn đạo chưa xác định được phóng đi từ khu vực Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng (Triều Tiên) vào 10h15 ngày 18/11.
Những phân tích sơ bộ của quân đội Hàn Quốc cho thấy, đây có thể là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Đây là vụ phóng thứ hai trong hai ngày liên tiếp từ phía Triều Tiên, sau cảnh báo sẽ có "những phản ứng quân sự quyết liệt hơn" trước các cuộc tập trận của Mỹ và đồng minh.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà Triều Tiên phóng đi trong sáng nay có thể đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Ảnh: Reuters).
Vụ phóng mới nhất được thực hiện chỉ một thời gian ngắn sau khi Hàn Quốc và Mỹ triển khai một cơ chế tham vấn phòng thủ tên lửa cấp chuyên viên để tăng cường năng lực phối hợp chính sách giữa hai nước.
Kể từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã thực hiện rất nhiều vụ phóng với số lượng kỷ lục tên lửa các loại. Tháng 10, Triều Tiên đã bắn hàng chục quả đạn pháo ra vùng biển giáp Hàn Quốc và Nhật Bản đúng thời điểm Mỹ tổ chức tập trận dài ngày với Hàn Quốc
Hiện Triều Tiên chưa lên tiếng xác nhận về vụ phóng.
Tại hội nghị ba bên gần đây với Hàn Quốc và Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tái khẳng định cam kết tăng cường năng lực răn đe cũng như bảo vệ hai đồng minh châu Á "bằng mọi năng lực", trong đó có vũ khí hạt nhân. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản trong tuyên bố chung sau hội nghị cho rằng Triều Tiên sẽ hứng chịu phản ứng mạnh mẽ và kiên quyết nếu thử vũ khí hạt nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!