Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Triều Tiên trong bối cảnh hiện tại được đánh giá sẽ tạo ra những chuyển biến mới trong quan hệ hai nước.
Theo những thông tin mới nhất, Chủ tịch Quốc vụ Triều Tiên Kim Jong-un đã tới Khasan, Primorsky, Nga và có các cuộc tiếp xúc ban đầu với quan chức Nga.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 12/9 xác nhận: Đoàn tàu bọc thép chở nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đi vào lãnh thổ Nga.
Ông Peskov cho biết, một cuộc hội đàm giữa phái đoàn Nga và Triều Tiên sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp tại vùng Viễn Đông với các nội dung về quan hệ song phương, từ kinh tế, thương mại, văn hóa đến các vấn đề khu vực cùng quan tâm và nhiều lĩnh vực khác.
Bà Lilia - Người dân Moscow, Nga: "Tôi nghĩ Triều Tiên và Nga đang đi theo cùng một hướng. Vì vậy, chúng tôi có những điểm phát triển chung. Do đó, tôi không nghĩ việc hai nước phát triển quan hệ đối tác là điều xấu, tôi nghĩ nhiều người ở Moscow và Nga nói chung sẽ đồng ý với tôi. Vì vậy, xin chào mừng - miễn là mọi thứ được thực hiện một cách thân thiện".
Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định, nhiều khả năng cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên sẽ có trọng tâm về hợp tác quân sự.
Ông Sung-yoon Lee - Nghiên cứu sinh, Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson: "Nga cần từ Triều Tiên đạn dược, đạn pháo, pháo, vũ khí nhỏ và có thể cả nhân lực nữa. Còn Triều Tiên cần từ Nga tiền, thực phẩm và rất có thể là máy móc quân sự công nghệ cao".
Ông James Dj Brown - Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple Nhật Bản: "Tôi nghĩ Triều Tiên sẽ hy vọng rằng để đổi lấy việc cung cấp số đạn pháo để nhận được sự hỗ trợ từ Nga về công nghệ quân sự, chẳng hạn như trong lĩnh vực công nghệ tàu ngầm và có lẽ cả một số thứ liên quan đến vệ tinh".
Việc ông Kim Jong-un lựa chọn Nga trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên kể từ sau đại dịch COVID-19 được giới phân tích nhận định là động thái cho thấy sự coi trọng của Triều Tiên với Nga.
Về phần mình, Nga cũng xác định đây là chuyến thăm toàn diện, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị Nga - Triều, thúc đẩy sự hợp tác vì lợi ích của hai nước. Mối quan hệ đặc biệt này, vì thế được nhận định sẽ tiếp tục được thúc đẩy, tăng cường.
Phản ứng trước các thông tin này, Hàn Quốc cho biết, Seoul duy trì liên lạc với Moscow đồng thời theo dõi chặt chẽ chuyến đi của Chủ tịch Quốc vụ Triều Tiên và các nội dung thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Triều Tiên. Nhật Bản cũng cho biết theo dõi chặt chẽ vấn đề này.
Trong khi đó, Mỹ kêu gọi Triều Tiên không cung cấp thêm vũ khí cho Nga, đồng thời cảnh báo không ngần ngại áp đặt các biện pháp trừng phạt mới. Trong khi Trung Quốc lên tiếng ủng hộ.
Trung Quốc nhắc lại quan điểm nguyên tắc là ủng hộ hòa giải và hợp tác giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên, ủng hộ duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, bày tỏ sẵn sàng tiếp tục cam kết theo đuổi hòa bình và thúc đẩy đàm phán. Trung Quốc cũng khẳng định mối quan hệ hữu nghị đang phát triển tốt đẹp với Triều Tiên.
Nhìn lại quan hệ Nga - Triều Tiên
Có thể thấy sự coi trọng của Triều Tiên với Nga thông qua chuyến thăm của Chủ tịch Quốc vụ Kim Jong-un lần này. Nhìn lại lịch sử cũng có thể thấy hai nước đã liên tiếp có các động thái thúc đẩy quan hệ thời gian gần đây, đặc biệt là từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, khi cả hai nước đều chịu các rào cản trừng phạt, cô lập từ phương Tây.
Trước năm 2022, mối quan hệ Nga - Triều Tiên không có nhiều đột phá. Năm 2015, Tổng thống Nga Putin đã mời ông Kim Jong-un tới dự lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II của Nga, nhưng ông Kim Jong-un vẫn chưa sẵn sàng tham gia hội nghị thượng đỉnh vào thời điểm đó.
Năm 2019, Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Triều Tiên được tổ chức tại Vladivostok để tìm một giải pháp cho đàm phán hạt nhân Triều Tiên, song không có đột phá.
Chỉ từ sau năm 2022, quan hệ hai nước mới thực sự có những thay đổi từ sự hội tụ nhu cầu về chính trị và kinh tế. Gần đây nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng có chuyến thăm Triều Tiên cuối tháng 7. Việc nối lại mối quan hệ quân sự giữa Triều Tiên và Nga được cho là sẽ khôi phục các hoạt động mua sắm hàng hóa quân sự hai chiều, gồm cả những công nghệ mà quân đội Triều Tiên mong muốn.
Những song trùng lợi ích và những đặc điểm địa chính trị hiện tại đang biến cả Nga và Triều Tiên trở thành hai thỏi nam châm, thu hút lẫn nhau trong các nỗ lực thoát khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây để duy trì hợp tác, khẳng định vị thế.
Với hai chuyến công du nước ngoài gần nhất đều có điểm đến là Nga đang cho thấy Triều Tiên muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Nga, củng cố lợi ích giữa hai nước. Các chuyên gia nhận định, bối cảnh tình hình hiện tại cho thấy, cục diện khu vực và các căng thẳng địa chính trị quốc tế đã và đang đẩy các quốc gia theo các hướng phân cực hơn, có nguy cơ dẫn tới các nguy cơ tập hợp lực lượng và khó hạ nhiệt các căng thẳng đang tăng cao tại Đông Bắc Á và trên thế giới.
Vì thế, điều quan trọng là cần tăng cường hơn nữa các cuộc trao đổi thực chất, tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia nhằm sớm kêu gọi các bên ngồi vào các bàn đàm phán hòa bình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!