Hai năm về trước, bà Kim Yo-jong đã bước những bước đầu tiên trên hành trình quyền lực trong vai trò là một chính trị gia ở Triều Tiên. Ngày 10/2/2018, em gái của Chủ tịch Kim Jong-un đã làm nên lịch sử khi trở thành người đầu tiên trong gia tộc họ Kim lãnh đạo đất nước Triều Tiên đặt chân đến nửa phía nam của Bán đảo Triều Tiên kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.
Trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông ở Pyeongchang, Hàn Quốc, người phụ nữ này ngồi sau Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, quan sát hàng trăm vận động viên Triều Tiên và Hàn Quốc cùng diễu hành dưới một lá cờ đại diện cho sự thống nhất hai miền. Bà Kim Yo-jong đại diện cho anh trai, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, tại sự kiện và là nhân vật tuyên truyền quan trọng của Triều Tiên tại thời điểm đó.
Bà Kim Yo-jong trong một cuộc họp tại Incheon, Hàn Quốc, 2/2018 (Nguồn: Reuters)
Sau 2 năm, hình ảnh lãnh đạo của bà Kim Yo-jong trở nên rõ rệt hơn
Tháng 3 năm nay, bà Kim Yo-jong bắt đầu có những phát ngôn độc lập, ca ngợi lá thư của Tổng thống Mỹ Donal Trump khi ông hướng thiện chí về phía Triều Tiên: Một mối quan hệ song phương tốt đẹp và hỗ trợ lẫn nhau trong việc đối phó với đại dịch COVID-19.
Tháng 5, bà Kim Yo-jong bắt đầu thể hiện hình tượng một nhà lãnh đạo chính trị dám nói dám làm. Tuyên bố công khai đầu tiên của người phụ nữ này rằng, "Hàn Quốc chỉ như một con chó đang sủa những tiếng kêu sợ hãi" sau khi nước này phản đối Triều Tiên diễn tập bắn đạn thật khiến cả thế giới dậy sóng.
Đầu tháng 6, tuyên bố chắc nịch "Đã tới lúc phải cắt đứt quan hệ với chính quyền Hàn Quốc. Rác phải được ném vào thùng" của bà khiến thế giới ngỡ ngàng trước một người phụ nữ đang dần thoát ra khỏi cái bóng của anh trai và tiến tới quyền lực cấp cao.
Hôm 16/6, bà ra lệnh phá sập tòa nhà liên lạc giữa hai miền Triều Tiên do Hàn Quốc tài trợ 8 triệu USD xây dựng nhằm bắt chính phủ Hàn Quốc "trả giá đắt".
Bà Kim Yo-jong cùng Chủ tịch Kim Jong-un tại một cuộc họp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Nguồn: Reuters)
Rõ ràng, việc có những phát ngôn gay gắt đối với Hàn Quốc mang giọng điệu cá nhân như vậy của bà Kim Yo-jong càng khẳng định vai trò nay đã trở thành trung tâm của bà trong thể chế Triều Tiên. Theo Cơ quan Thông tấn trung ương Triều Tiên, bà Kim Yo-jong mới đây chính thức được đưa lại vào Bộ chính trị, hơn một năm sau khi rời khỏi vị trí này do thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019.
Bà Kim Yo-jong có ảnh hưởng mạnh mẽ tới Chủ tịch Kim Jong-un. Nắm giữ vai trò là người phụ trách tuyên truyền chính của Triều Tiên, bà Kim Jong-un đã làm tốt việc phát huy danh tiếng của Chủ tịch Kim Jong-un - người đang duy trì vai trò lãnh đạo cho gia tộc họ Kim qua ba thế hệ.
Sự sắc bén của bà đã giúp anh trai xây dựng một hình ảnh người đứng đầu "tích cực" hơn trong mọi cuộc đàm phán với Hàn Quốc và quốc tế. Bà trở thành nhân vật giữ tiếng nói quan trọng chỉ sau người anh trai Kim Jong-un. Không chỉ đạt được sự tín nhiệm trong đảng Lao động cầm quyền ở Triều Tiên, bà Kim Yo-jong còn được báo chí tôn vinh là "bộ não" xây dựng hình ảnh của Chủ tịch Kim Jong-un trước công chúng.
"Bạn tâm giao" của Chủ tịch Kim Jong-un (Nguồn: Reuters)
Bà Kim Yo-jong bước lên vũ đài chính trị từ khi nào?
Bà Kim Yo-jong hiếm khi xuất hiện trước công chúng cho tới tận năm 2010. Sự có mặt của bà trong đoàn tuỳ tùng của cha, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il như một "lời khẳng định khéo léo" về vị trí tương lai của bà sau Chủ tịch Kim Jong-un.
Tuy nhiên, hành trình đến với "tâm điểm" của thể chế Triều Tiên của bà được cho là đã bắt đầu từ cuối những năm 1990, khi bà cùng anh trai theo học tại Berne, Thuỵ Sĩ. Cuộc sống của bà Kim Yo-jong sau khi tốt nghiệp Ngành khoa học máy tính tại Đại học Kim Il-sung ở Bình Nhưỡng cho tới thời gian đầu khi bà mới tham gia vào Đảng cầm quyền hiện vẫn là dấu hỏi lớn.
Trước đó, bà Kim Yo-jong được cho là đã tham gia vào việc sắp xếp cho anh trai mình kế vị tư cách là nhà lãnh đạo tối cao sau khi cha họ, ông Kim Jong-il, trải qua hai cơn đột quỵ vào năm 2008. Tuy vậy, phải đến tận 3/2014, bà mới được giới báo chí truyền thông nhắc tới khi đi cùng Chủ tịch Kim jong-un đến cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân Tối cao.
Ông Leif-Eric Easley, Phó Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha (Hàn Quốc), cho rằng, điều hành Triều Tiên như "công việc gia đình" thì Chủ tịch Kim Jong-un dường như đặt niềm tin vào em gái mình - người được cho là "bạn tâm giao" của ông.
Ông Leonid Petrov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học quản lý quốc tế (Australia), khẳng định: "Sự thăng tiến của bà Kim Yo-jong có thể sẽ tiếp tục sau khi Triều Tiên nối lại chính sách ngoại giao hạt nhân thời kỳ hậu COVID-19, bởi vai trò nòng cốt của bà trong các chiến dịch đối nội - đối ngoại của nước này".
Tuy nhiên, bà sẽ không thể lên vị trí lãnh đạo đất nước.
"Bà Kim Yo-jong biết điều chỉnh các bước đi của Chủ tịch Kim Jong-un sao cho trôi chảy và mềm mại... Nhưng bà sẽ không thay thế được vị trí người ra quyết định chính. Triều Tiên là một nước theo đạo Khổng, người có tuổi và nam giới được tôn trọng. Bà là người ông Kim tin tưởng nhất nhưng chỉ là như thế mà thôi".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!