Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dữ liệu Khoa học Hệ thống Trái đất, các nhà khoa học trên cho biết nhiệt độ Trái đất đã tăng 0,26℃ trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2023.
Vào cuối năm 2023, hoạt động của con người đã đẩy nhiệt độ vượt 1,31℃ so với thời kỳ tiền công nghiệp. Và Trái đất đã nóng lên tổng cộng 1,43℃ khi tính thêm các yếu tố tự nhiên khác - bao gồm cả hiện tượng thời tiết El Nino.
Trong cùng giai đoạn 2014 - 2023, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu tăng 1,19℃ trên mức tham chiếu thời vào kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1900. Con số này tăng so với mức tăng 1,14℃ được ghi nhận trong báo cáo vào năm 2023 cho thập kỷ tính đến năm 2022.
Nghiên cứu nhấn mạnh: "Tình trạng Trái đất nóng lên do con người gây ra đang gia tăng với tốc độ chưa từng thấy trong hồ sơ dữ liệu".
Nghiên cứu này là một phần của chuỗi đánh giá khí hậu định kỳ của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) thuộc Liên hợp quốc, được công bố trung bình 6 năm một lần kể từ năm 1988.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dữ liệu Khoa học Hệ thống Trái đất cho biết nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu là "lượng khí thải nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại". Năm 2022, lượng khí thải lên tới 55 tỷ tấn.
Điều đó có nghĩa là "ngân sách" carbon của thế giới - lượng khí thải nhà kính ước tính có thể được thải ra trước khi đẩy Trái đất vượt qua ngưỡng tăng nhiệt độ 1,5℃ - đang giảm nhanh chóng. Năm 2020, IPCC tính toán "ngân sách" carbon còn lại khoảng 500 tỉ tấn CO₂. Đến đầu năm 2024, con số này đã giảm xuống còn khoảng 200 tỉ tấn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!