Các trường học, dịch vụ xe lửa và hoạt động của nhiều doanh nghiệp tại Pháp bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công này. Tuy nhiên, mức độ gián đoạn do cuộc đình công hiện vẫn chưa rõ ràng. Đây là bài kiểm tra cho Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) đứng sau các cuộc đình công, vốn đang tìm cách xây dựng sự ủng hộ cho một cuộc đấu tranh lâu dài với Chính phủ Pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông qua việc tăng lương cho công chức và giáo viên, đồng thời đưa ra một trong những mạng lưới an toàn chống lạm phát hào phóng nhất châu Âu, giúp hạn chế chi phí năng lượng cho các hộ gia đình và kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, sự kiên quyết của ông Macron về việc tăng tuổi nghỉ hưu từ mức hiện tại (62 tuổi), một trong những cam kết trong chiến dịch tái tranh cử Tổng thống của ông, đã khuấy động các tổ chức công đoàn cũng như những đối thủ cánh tả khác và vẫn không nhận được sự ủng hộ của người dân trên khắp cả nước.
Tổng thống Macron quyết định tăng tuổi nghỉ hưu từ mức 62 tuổi hiện nay. (Ảnh: AP)
Philippe Martinez, người đứng đầu CGT, nói với Đài truyền hình BFM hôm 27/9: "Chúng tôi phản đối việc đẩy lùi tuổi nghỉ hưu vì chúng tôi coi đó là một sai lầm khi có quá nhiều người thất nghiệp ở đất nước này.
Việc giữ người lao động tiếp tục làm việc trong công việc của họ đồng nghĩa với việc những người chưa có việc làm sẽ không thể được tuyển dụng", ông Martinez nói thêm.
Bất chấp những cảnh báo về nguy cơ thất bại, Tổng thống Macron đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ Pháp tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 tuổi hiện tại, một trong những mức tuổi nghỉ hưu thấp nhất ở châu Âu, và thay đổi này sẽ có hiệu lực vào năm 2023.
Với mức thâm hụt tăng và nợ công ở mức cao lịch sử, cựu Giám đốc ngân hàng đầu tư này đã lập luận rằng việc đẩy lùi thời gian nhận lương hưu và thu hút nhiều người hơn vào việc làm là cách duy nhất để nhà nước có thể tăng doanh thu mà không cần tăng thuế.
Đảng của ông Macron đã mất thế đa số trong Quốc hội Pháp vào tháng 6, làm suy giảm nghiêm trọng khả năng thúc đẩy các cải cách của ông.
Cuộc đình công hôm 29/9 đã được kêu gọi bởi CGT, tổ chức công đoàn lớn thứ hai của Pháp, với sự hỗ trợ từ các công đoàn đối tác nhỏ hơn là Solidaires và FSU.
Khoảng 1/10 trường học ở Paris dự kiến sẽ phải đóng cửa vào ngày 29/9, trong khi 300 trường sẽ đóng cửa ở khu vực phía Nam tỉnh Bouches-du-Rhone, bao gồm cả thành phố Marseille.
Công ty Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) và hệ thống tàu điện ngầm RATP ở Paris cũng đang chuẩn bị cho việc bị gián đoạn dịch vụ, trong khi nhân viên của hãng dầu khí khổng lồ TotalEnergies đã đình công kể từ hôm 27/9.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!