Tuyên bố này được đưa ra trước khi người đứng đầu Nhà Trắng dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng kỷ niệm 13 năm xảy ra vụ khủng bố 11/9 vào sáng mai (11/9) theo giờ Việt Nam. Trong bài phát biểu ông Obama sẽ công bố chiến lược đối phó với lực lượng IS. Trong số các biện pháp quân sự, ngoại giao và kinh tế trong chiến lược mới này thì hiện dư luận quan tâm tới việc: Liệu ông Obama có mở rộng chiến dịch không kích lực lượng IS từ Iraq sang Syria hay không? Vì nếu có điều này sẽ đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong chiếc lược của ông Obama - người trước đây chủ trương giảm sự can thiệp quân sự của Mỹ tại Trung Đông.
Mới đây, Tổng thống Mỹ đã tham vấn lãnh đạo chủ chốt của Thượng viện và Hạ viện - những sự kiện như thế này thường chỉ diễn ra khi nước Mỹ gặp phải những thách thức lớn. Tại cuộc gặp này, ông Obama đã tham vấn lãnh đạo hai viện Quốc hội về chiến lược đối phó với IS mà ông sắp công bố.
Theo đó, ông Obama đã thông báo với lãnh đạo Quốc hội rằng, ông không cần sự phê chuẩn của Quốc hội trong việc mở rộng chiến dịch quân sự chống lại những lực lượng mà ông gọi là “những kẻ khủng bố Hồi giáo”. Ông Obama cũng cho biết, ông đang tính đến việc thành lập một quỹ đối tác quốc tế chống khủng bố để tăng cường trách nhiệm đa phương trong vấn đề này.
Ông Josh Earnest - Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết: “Quỹ đối tác chống khủng bố là một trụ cột cơ bản trong chiến lược của Tổng thống Obama trong nỗ lực chống IS nói riêng và các vấn đề tương tự trên toàn cầu. Chúng ta cần phấn đấu đến giai đoạn mà mỗi khi những thách thức mới nổi lên, không chỉ có mình nước Mỹ là phải chịu trách nhiệm đứng ra xử lý”.
Theo giới phân tích, trong bài phát biểu của mình, ông Obama có thể sẽ công bố về kế hoạch mở rộng không kích vào các mục tiêu của IS, giải trình các nỗ lực của chính quyền Mỹ trong việc thành lập Liên minh quốc tế chống IS, cũng như có thể tính đến việc yêu cầu LHQ thông qua một Nghị quyết buộc các nước thành viên tham gia chặn đứng dòng chảy của các chiến binh nước ngoài vào khu vực.
Trong khi ông Obama đang vất vả đến phút chót để có thể công bố một chiến lược khả thi nhất trong đối phó với IS thì đã có rất nhiều câu hỏi lớn mà các chuyên gia đang đặt ra xung quanh chiến lược sắp được công bố của Obama, đó là: Mỹ sẽ dùng thước đo nào để đánh giá về mức độ thành công của các cuộc không kích, kể cả các cuộc không kích có thể sẽ diễn ra sắp tới tại Syria?; Mỹ sẽ điều hành Liên minh quốc tế chống IS như thế nào?; Kế hoạch dự phòng của Mỹ là gì nếu Chính phủ Iraq không thể đưa ra được giải pháp đối phó lâu dài và bền vững với IS?