Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã bị cấm xuất cảnh từ 15h chiều (giờ địa phương) ngày 9/12 trong khi chờ điều tra về tội phản quốc và các cáo buộc khác liên quan đến lệnh thiết quân luật ngắn ngủi của ông vào đêm 3/12, trong bối cảnh tình hình chính trị ngày càng bất ổn và tương lai chính trị mờ mịt của ông Yoon.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã áp dụng lệnh cấm ngay sau khi Văn phòng điều tra tham nhũng dành cho các quan chức cấp cao (CIO) đệ trình yêu cầu ban hành lệnh này.
Ngày 8/12, lãnh đạo đảng Quyền lực quốc dân (PPP) cầm quyền tại Hàn Quốc, ông Han Dong Hoon thông báo Thủ tướng Han Duck Soo sẽ xử lý các vấn đề nhà nước.
Động thái chuyển giao công việc xử lý các vấn đề nhà nước cho Thủ tướng Han Duck Soo - được cho biết là nhằm chuẩn bị cho việc từ chức của Tổng thống Yoon Suk Yeol sau biến động chính trị liên quan đến lệnh thiết quân luật hồi tuần trước.
Giám đốc CIO Oh Dong Woon cho biết văn phòng của ông cam kết tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về "lãnh đạo và những người phạm tội liên quan đến tội phản quốc", trong đó một số nghi phạm bị giam giữ về mặt nguyên tắc. Khi được hỏi liệu CIO có yêu cầu lệnh cấm đi lại đối với đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee hay không, ông Woon cho biết lệnh này sẽ được xem xét lại.
Giám đốc CIO Oh Dong Woon (Ảnh: Yonhap)
Quan chức cảnh sát cấp cao Hàn Quốc Woo Jong Soo trước đó cho biết giới chức không loại trừ khả năng thẩm vấn Tổng thống Yoon trực tiếp.
Quyền kiểm soát quân đội vẫn nằm trong tay Tổng thống
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết quyền kiểm soát lực lượng quân hiện vẫn nằm trong tay Tổng thống Yoon Suk Yeol với tư cách là tổng tư lệnh, cho dù ông phải đối mặt với cuộc điều tra với tư cách là nghi phạm về tội phản quốc liên quan đến việc tuyên bố thiết quân luật vào tuần trước.
"Về mặt pháp lý, quyền kiểm soát lực lượng quân đội hiện nằm trong tay tổng tư lệnh", người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Jeon Ha-kyou cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ khi được hỏi liệu một nghi phạm trong một vụ nổi loạn có thể nắm giữ những quyền hạn như vậy hay không.
Thủ tướng Han Duck Soo (bên trái) sẽ thay Tổng thống Yoon Suk Yeol xử lý các vấn đề nhà nước. (Ảnh: Yonhap)
Khi được hỏi về việc ai có thể ban bố thiết quân luật trong trường hợp chiến tranh, ông Jeon cho biết ông hiểu rằng thẩm quyền vẫn không thay đổi.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kim Seon Ho, người cũng là quyền Bộ trưởng Quốc phòng, cho biết tuần trước rằng Bộ này và quân đội sẽ không tuân thủ bất kỳ lệnh nào về việc thi hành thiết quân luật nếu chúng được ban hành một lần nữa.
Trong một bài phát biểu công khai trên truyền hình vào sáng ngày 7/12, Tổng thống Yoon đã đưa ra lời xin lỗi công khai vì đã gây ra lo ngại cho công chúng do lệnh thiết quân luật của mình, đồng thời tuyên bố sẽ không cố gắng ban bố lệnh này một lần nữa.
Trong khi đó, ông Jeon cho biết Bộ Quốc phòng đang nỗ lực xác minh các dấu hiệu cho thấy nhân viên từ Bộ Chỉ huy tình báo đã vào Văn phòng Ủy ban Bầu cử Quốc gia tại Gwacheon, ngay phía nam Seoul, vào đêm ban bố thiết quân luật.
Trước đó, các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin rằng các thành viên của Bộ Chỉ huy tình báo đã quay phim các máy chủ máy tính của Ủy ban trên tại văn phòng, làm dấy lên câu hỏi về động cơ của họ.
Riêng một số binh sĩ được triển khai đến Quốc hội đã bất chấp lệnh xác định vị trí các nhà lập pháp và đưa họ đến một địa điểm không xác định do Trung tướng Yeo In Hyung, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phản gián Quốc phòng ban hành.
Trong sắc lệnh thiết quân luật tuần trước, quân đội đã tuyên bố cấm mọi hoạt động chính trị, nêu rõ rằng những người vi phạm sắc lệnh có thể bị bắt mà không cần lệnh.
Đảng Dân chủ đối lập Hàn Quốc cáo buộc Tổng thống có hành động "vi hiến, nổi loạn, làm phản" khi ban lệnh thiết quân luật đêm 3/12. Đảng này đã nộp đơn lên cảnh sát nhằm vào 9 người, trong đó có Tổng thống và cựu Bộ trưởng Quốc phòng. Tổng thống Hàn Quốc có quyền miễn trừ truy tố trong lúc đương nhiệm, nhưng ngoại trừ các cáo buộc nổi loạn hay phản quốc.
Cựu bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun, người được cho là đã đề xuất Tổng thống ban lệnh thiết quân luật, bị bắt hôm 8/12. Bộ trưởng Nội vụ và An toàn Lee Sang Min từ chức vào cùng ngày.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc trước đó thông báo đình chỉ công tác và cấm xuất cảnh với ba trung tướng tham gia thực thi lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon. Đây cũng là ba người bị phe đối lập cáo buộc nổi loạn.
Tổng thống Hàn Quốc đêm 3/12 ban lệnh thiết quân luật chóng vánh và đồng ý dỡ sau hai tiếng, theo yêu cầu từ quốc hội. Trong bài phát biểu xin lỗi ngày 7/12, ông Yoon giải thích ông hành động như vậy do muốn hoàn thành nhiệm vụ của một tổng thống, đồng thời cam kết không có lệnh thiết quân luật nào khác.
Phe đối lập thúc đẩy nỗ lực luận tội Tổng thống nhưng không thành công do không hội đủ 200 phiếu cần thiết tại quốc hội. Họ tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực vào mỗi tuần cho đến khi đạt được mục đích. Tuần này, họ dự kiến đưa ra đề xuất luận tội mới vào ngày 11/12 và quốc hội sẽ bỏ phiếu vào ngày 14/12.
Trong khi đó, đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của ông Yoon cho biết sẽ vạch lộ trình "có trật tự" để Tổng thống từ chức.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!