Đã có hơn 39 triệu người nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới. (Ảnh: AP)
Mỹ đang là quốc gia có số ca mắc và tử vong vì dịch COVID-19 cao nhất thế giới với lần lượt trên 8,2 triệu trường hợp và hơn 222.600 bệnh nhân. Trong 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 56.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ, tâm dịch lớn thứ 2 thế giới, là trên 7,3 triệu trường hợp, trong đó hơn 112.100 người đã tử vong. Ngày 15/10, Ấn Độ đã có thêm 60.300 người nhiễm bệnh.
Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận hơn 6.800 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại quốc gia này lên trên 5,1 triệu trường hợp, trong đó gần 152.000 người đã không qua khỏi.
Tại châu Âu, một số nước có số ca nhiễm mới và tử vong tăng cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, Ba Lan ghi nhận thêm gần 8.100 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số người mắc lên hơn 149.900 trường hợp với trên 3.300 bệnh nhân tử vong. Đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới tại quốc gia 38 triệu dân này tăng cao nhất từ trước đến nay.
Ngày 15/10, Đức ghi nhận thêm trên 7.000 ca mắc mới, số ca nhiễm mới cao nhất được ghi nhận trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại nước này. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Đức tính đến nay là hơn 348.800 trường hợp, trong đó có hơn 9.800 người tử vong.
Giới chức Nga báo cáo có thêm hơn 13.700 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 286 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là ngày Nga ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số người dân tử vong do COVID-19 lên 23.491 người trong tổng số trên 1,35 triệu trường hợp ca nhiễm bệnh.
Mặc dù số ca mắc COVID-19 đang tăng vọt tại châu Âu, gây ra "mối lo ngại lớn", Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu, ông Hans Kluge, cho rằng, tình hình này vẫn tích cực hơn so với giai đoạn đỉnh dịch hồi tháng 4. Theo ông Kluge, COVID-19 hiện là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 5 với số ca không qua khỏi lên tới hơn 1.000 người/ngày.
Ireland thông báo sẽ tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, đồng thời công bố một loạt quy định mới siết chặt các hoạt động qua lại dọc biên giới với khu vực Bắc Ireland thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh.
Hơn 46.200 người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Ireland. (Ảnh: AP)
Hiện Ireland đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới. Chỉ riêng trong ngày 15/10, Ireland ghi nhận thêm gần 1.200 ca mắc COVID-19 và đây là số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Đến nay, hơn 46.200 người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này.
Tại châu Á, Indonesia đã trở thành điểm nóng dịch bệnh sau khi vượt Philippines trở thành quốc gia ghi nhận số ca mắc cao nhất khu vực. Cụ thể, Indonesia đã ghi nhận thêm hơn 4.400 ca nhiễm mới và 112 người tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên trên 349.100 ca và hơn 12.200 bệnh nhân tử vong.
Trong khi đó, Philippines có thêm hơn 2.200 ca mắc COVID-19, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh tại nước này hiện lên gần 348.700 người. Ngày 15/10, Bangladesh có thêm 1.600 ca nhiễm mới. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này hiện là trên 384.500 trường hợp, trong đó hơn 5.600 người đã tử vong.
Ngày 15/10, Nhật Bản ghi nhận 570 ca mắc COVID-19 mới. (Ảnh: AP)
Nhật Bản đang cân nhắc hạ mức cảnh báo đi lại vốn được áp đặt đối với tất cả các nước và khu vực nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Trong ngày qua, Nhật Bản ghi nhận thêm 570 ca mắc COVID-19. Hiện tổng số ca nhiễm bệnh tại quốc gia này là trên 90.700 trường hợp.
Tại khu vực Trung Đông, Iran thông báo có thêm hơn 4.616 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên trên 517.800 trường hợp, trong đó có khoảng 29.600 người tử vong.
Còn tại Israel, Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm công dân đáp chuyến bay ra nước ngoài như một phần kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc. Israel đã ghi nhận hơn 300.200 ca nhiễm và trên 2.100 người tử vong do dịch COVID-19. Tuy nhiên, số mắc mới hàng ngày đã giảm mạnh tại quốc gia này với hơn 1.700 ca mắc được ghi nhận trong ngày 15/10 so với con số trên 7.500 ca được ghi nhận trước khi lệnh cấm trên được ban hành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!