Công tố viên B.M. Sultan Mahmud cho biết Tòa án Tội phạm Quốc tế có trụ sở tại Dhaka đã ban hành lệnh bắt giữ cựu Thủ tướng Sheikh Hasina hôm 17/10, để đáp lại hai đơn kiến nghị do bên công tố đệ trình.
Người đứng đầu tòa án, Golam Mortuza Majumdar, đã ban hành lệnh này trước sự chứng kiến của các thẩm phán khác. "Đầu tiên, tòa án chấp nhận đơn kiến nghị của bên công tố liên quan đến một mình bà Sheikh Hasina. Sau đó, chúng tôi chuyển đơn kiến nghị thứ hai chống lại 45 người liên quan đến những người trợ lý thân cận của bà và những người khác vì tội ác chống lại loài người. Tòa án đã chấp nhận đơn kiến nghị này", ông Golam Mortuza Majumdar nói.
Ông Mohammad Tajul Islam - Trưởng công tố của tòa án Bangladesh chuyên xét xử các hành vi tàn bạo - xác nhận tòa đã ra lệnh bắt giữ để đưa bà Hasina ra tòa vào ngày 18/11.
Vào tháng trước, Tòa án xét xử tội ác chiến tranh của Bangladesh đã tìm cách dẫn độ nhà lãnh đạo bị lật đổ Sheikh Hasina từ nước láng giềng Ấn Độ, với cáo buộc cựu Thủ tướng thực hiện "các vụ thảm sát".
Sau nhiều tuần xảy ra biểu tình bạo loạn do các sinh viên đứng đầu, bà Hasina đã buộc phải từ chức Thủ tướng và chạy trốn sang Ấn Độ vào ngày 5/8 (Ảnh: AP)
Sau nhiều tuần xảy ra biểu tình bạo loạn do các sinh viên đứng đầu, bà Hasina đã buộc phải từ chức Thủ tướng và chạy trốn bằng trực thăng quân sự đến quốc gia đồng minh láng giềng Ấn Độ vào ngày 5/8, chấm dứt 15 năm cai trị tàn bạo của bà.
"Vì thủ phạm chính đã trốn khỏi đất nước nên chúng tôi sẽ bắt đầu thủ tục pháp lý để đưa bà ta trở về", ông Mohammad Tajul Islam tuyên bố.
Tòa án xét xử tội ác chiến tranh của Bangladesh được chính bà Hasina thành lập vào năm 2010 để điều tra các hành động tàn bạo trong cuộc chiến giành độc lập năm 1971 từ Pakistan. Chính phủ của cưu Thủ tướng Hasina bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trên diện rộng, bao gồm giam giữ hàng loạt và giết người ngoài vòng pháp luật đối với các đối thủ chính trị của bà.
"Bangladesh có hiệp ước dẫn độ tội phạm với Ấn Độ được ký kết vào năm 2013, khi chính phủ của bà Sheikh Hasina còn nắm quyền" - ông Islam nói thêm - "Vì bà ấy đã trở thành bị cáo chính trong vụ thảm sát ở Bangladesh, chúng tôi sẽ cố gắng đưa bà ấy trở lại Dhaka để xét xử hợp pháp".
Bà Sheikh Hasina, 76 tuổi, đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi chạy trốn khỏi Bangladesh, nơi ở chính thức cuối cùng của bà được cho là tại một căn cứ không quân gần thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Sự hiện diện của bà ở Ấn Độ đã khiến Bangladesh vô cùng tức giận.
Dhaka đã thu hồi hộ chiếu ngoại giao của bà Hasina và hai nước có hiệp ước dẫn độ song phương có thể buộc cựu Thủ tướng phải trở về quê hương để chịu xét xử hình sự. Tuy nhiên, một điều khoản trong hiệp ước nêu rõ việc dẫn độ có thể bị từ chối nếu hành vi phạm tội có "tính chất chính trị".
Theo một báo cáo sơ bộ của Liên hợp quốc, hơn 600 người đã thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn chính trị tại Bangladesh hồi tháng 7.
Tháng 8/2024, Bangladesh cũng mở một cuộc điều tra do một thẩm phán tòa án tối cao nghỉ hưu dẫn đầu về hàng trăm vụ mất tích cưỡng bức của lực lượng an ninh trong thời gian bà Hasina nắm quyền.
Các cuộc biểu tình đã bùng phát hồi tháng 7 tại Bangladesh nổ ra khi tòa án quyết định phân bổ 30% chỉ tiêu tuyển viên chức mỗi năm cho con em của quân nhân đã tham gia đấu tranh giúp Bangladesh độc lập năm 1971. Tình trạng biểu tình dẫn tới bạo lực đã buộc bà Sheikh Hasina phải từ bỏ quyền lực, rời đất nước sau hơn 15 năm trên cương vị Thủ tướng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!