Cảnh giác với dịch COVID-19 không chỉ là điều cần hết sức lưu ý đối với những quốc gia đang ghi nhận số ca lây nhiễm và tử vong gia tăng mà còn cả với những quốc gia tạm thời khống chế tốt dịch bệnh, bởi nguy cơ tái bùng phát là rất cao.
Hong Kong (Trung Quốc) từng được xem là mô hình kiểu mẫu trong chống dịch COVID-19 hồi đầu năm nay khi áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch như lập bản đồ virus, giãn cách xã hội, khuyến khích người dân rửa tay. Đối mặt với đợt bùng phát thứ hai hồi tháng 3, khi người dân quay trở lại làm việc, đặc khu hành chính này cũng hoàn toàn chủ động bằng cách áp đặt lệnh cách ly nghiêm ngặt, đóng cửa các nhà hàng, quán bar, hay cấm người nước ngoài nhập cảnh.
Hong Kong (Trung Quốc) đường như có phần bị động với làn sóng dịch thứ ba. (Ảnh: AP)
Tuy nhiên, với làn sóng dịch thứ ba kể từ tháng 6, Hong Kong (Trung Quốc) lại ở thế có phần bị động do sự xuất hiện của nhiều ca bệnh trong cộng đồng mà không rõ nguồn lây. Hiện tại, đặc khu này ghi nhận hơn 2.000 ca mắc COVID-19.
Nhật Bản từng áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia do dịch COVID-19 cùng nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt khắc. Nhờ vậy, quốc gia Đông Á này đã kiểm soát được dịch bệnh. Nhật Bản đang dần thúc đẩy hoạt động kinh tế, đặc biệt là kích cầu du lịch.
Nhiều ổ dịch mới đã xuất hiện ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AP)
Tuy nhiên, dịch COVID-19 một lần nữa cho thấy nguy cơ tái dịch có thể trở lại bất cứ lúc nào. Nhiều ổ dịch mới đã xuất hiện ở thủ đô Tokyo với số ca mắc trong ngày cao kỷ lục, có ngày lên mức 300 trường hợp nhiễm mới, đáng chú ý là đa số ở độ tuổi từ 20 - 30. Nghiên cứu chỉ ra rằng, sự chủ quan của người dân khi lơ là các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang có thể đã dẫn đến những cụm dịch mới này. Số ca mắc COVID-19 ở Nhật Bản hiện là hơn 28.000 trường hợp.
Trong khi đó, Australia cũng được xem là nước có "tiêu chuẩn vàng" trong việc ứng phó với dịch COVID-19 bằng cách áp dụng nghiêm ngặt các quy định như đóng cửa biên giới, không cho phép người đến từ những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhập cảnh, yêu cầu người dân hạn chế đi lại và cấm tụ tập nơi đông người. Vào cuối tháng 3, dịch COVID-19 đã được kiểm soát trên diện rộng tại Australia.
Người dân Melbourne đeo khẩu trang phòng COVID-19. (Ảnh: AP)
Nước này đã hướng tới việc mở cửa trong tháng 7. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch mới đây tại thành phố Melbourne, bang Victoria đã khiến kế hoạch này phải lùi lại. Và Australia một lần nữa phải áp đặt các biện pháp hạn chế một cách nghiêm ngặt hơn để kiểm soát dịch. Nước này hiện ghi nhận hơn 13.000 ca mắc COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!