Người đàn ông vô cớ đánh đập tàn bạo một phụ nữ lớn tuổi trên 1 con phố ở thành phố New York được camera an ninh ghi lại, chỉ vì bà là người gốc Á. Gần 3.800 vụ bạo lực như thế này đã diễn ra trong 1 năm trở lại đây, khi mà dịch COVID-19 lây lan mạnh mẽ, những người Mỹ gốc Á trở thành nạn nhân vì bị cho là làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một phần nguyên nhân.
Ông Steve Cohen - Chủ tịch tiểu ban tư pháp Hạ viện Mỹ về Hiến pháp, quyền công dân và tự do dân sự cho rằng: "Sự căm ghét chống người gốc Á không bắt đầu từ đại dịch COVID-19, và sẽ không kết thúc khi đại dịch kết thúc. Tất cả những gì đại dịch làm là trầm trọng thêm những định kiến chống người châu Á tiềm ẩn vốn có trong lịch sử lâu đời và xấu xí ở Mỹ. Nó cũng là cái cớ để một số người hành động theo những định kiến đó. Trên thực tế, đã có sự phân biệt đối xử chống lại rất nhiều người ở đất nước này, và những điều đó ngày càng nặng nề thêm".
Tình trạng phân biệt chủng tộc luôn tồn tại trong lòng nước Mỹ, càng rõ ràng hơn với những người da màu, những người Mỹ gốc Phi. Vào những ngày cuối tháng 3, dư luận đặc biệt chú ý tới phiên tòa xét xử cựu cảnh sát được cho là đã gây ra cái chết của người đàn ông da màu George Floyd hồi tháng 5/2020. Vụ George Floyd đúng hơn là giọt nước tràn ly bởi tình trạng người gốc Phi bị kỳ thị, nhất là bị cảnh sát kỳ thị, không phải là điều hy hữu ở Mỹ.
Người biểu tình mang theo ảnh George Floyd - Ảnh: AP
Những người sống ở New York vẫn còn chưa quên vụ công dân da màu Eric Garner bị một viên cảnh sát chèn tay qua cổ khống chế, cũng trên vỉa hè, cũng van xin trong tiếng thở hổn hển "tôi không thở được", và cũng tử vong, hồi năm 2014. Đó chỉ là số ít sự vụ liên quan đến người da màu ở Mỹ.
Bà Jen Psaki - Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết: "Bất bình đẳng chủng tộc và giải quyết bất bình đẳng chủng tộc là một ưu tiên, là một trong những cuộc khủng hoảng chính mà tổng thống đối mặt, mà đất nước đang đối mặt. Vì vậy, vấn đề này sẽ là trọng tâm mà chúng tôi hướng tới".
Không khó để quan sát thấy phần lớn người Mỹ gốc Phi thường hay làm những công việc chân tay hơn, sống tập trung ở những khu nhà nghèo khó hơn và ô nhiễm hơn. Ở New York, những người vô gia cư sống lay lắt bên hè phố hay trong ga tàu điện ngầm đa phần là người da màu.
Mặc dù phong trào dân quyền đã chấm dứt được luật phân biệt chủng tộc tồn tại trong suốt một thế kỷ tại Mỹ, thế nhưng tình trạng phân biệt chủng tộc đối với người da màu thực ra chưa bao giờ biến mất. Đó không phải là vấn đề nói chấm dứt là sẽ biến mất ngay lập tức. Chừng nào phân biệt chủng tộc vẫn là vấn đề nhạy cảm và khó nói và khó thảo luận, thì khi đó những sự việc liên quan tới phân biệt chủng tộc sẽ còn nối dài mãi ở xứ cờ hoa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!