Gia tăng tình trạng đói nghèo tại khu vực Mỹ Latin

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 05/07/2022 09:49 GMT+7

VTV.vn - Những mức lạm phát kỷ lục trong nhiều thập kỷ lần lượt được ghi nhận ở các quốc gia trong khu vực Mỹ Latin từ Mexico tới Chile, cả Brazil và Argentina.

Những ngăn tủ lạnh gần như trống rỗng đã không còn xa lạ với rất nhiều hộ gia đình ở Brazil, nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latin. Số liệu từ Mạng lưới nghiên cứu An ninh lương thực Brazil cho biết, hơn 1/3 số hộ gia đình ở quốc gia này đang rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực, tức là thiếu ăn hoặc không đảm bảo đủ thức ăn trong thời gian sắp tới.

Chị Italita De Souza - Người dân Rio de Janeiro, Brazil nói: "Chúng tôi đói, giá cả tăng và chúng tôi không có thức ăn. Chúng tôi chẳng có cách nào chi trả cho mọi thứ. Bạn chọn giữa việc trả tiền thuê nhà và mua đồ ăn, nếu chọn đồ ăn thì bạn không có nhà và phải ra đường sống".

Tình hình cũng không mấy khả quan tại Argentina, mức lạm phát tại đây đã tăng hơn 60% trong 12 tháng qua và được dự báo có khả năng tăng cao hơn nữa.

Bà Erica Sosa - Nhân viên xã hội, Mặt trận các tổ chức đấu tranh (FOL) nói: "Hôm nay bạn trả 100 peso một lít sữa, ngày mai giá lại tăng lên thành 150 peso. Ngày nào giá cũng tăng, thật quá sức chịu đựng. Bạn không có đủ tiền, nếu mua thức ăn thì lại không trả được các hóa đơn sinh hoạt. Không chỉ thực phẩm mà hàng hóa gì cũng tăng giá, chúng tôi chẳng biết phải làm sao".

Bà Lola Castro - Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WPF) khu vực Mỹ Latin và Caribe: "Những gì chúng ta đang chứng kiến là 9,7 triệu người đang trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, ở các quốc gia nơi Chương trình Lương thực thế giới hoạt động, nhưng nếu cuộc khủng hoảng tiếp tục thì dự báo con số này sẽ tăng lên thành 14 triệu người. Chúng ta sẽ gần như quay trở lại mức cao của giai đoạn đại dịch COVID-19".

Gia tăng tình trạng đói nghèo tại khu vực Mỹ Latin - Ảnh 1.

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL) ngày 6/6 cảnh báo, những tác động của xung đột ở Ukraine, đặc biệt là giá năng lượng và lương thực leo thang, sẽ đẩy tỷ lệ nghèo đói ở khu vực lên 33,7%, tăng 1,6% so với năm 2021 và tỷ lệ nghèo cùng cực lên 14,9%, tăng 1,1% so với năm ngoái. CEPAL nhấn mạnh, những con số này cao hơn đáng kể so với mức trước đại dịch và làm suy giảm khả năng phục hồi nhanh chóng của khu vực.

Đẩy lùi đói nghèo: Cần các giải pháp đồng bộ từ tất cả các quốc gia

Lạm phát, bối cảnh quốc tế bất ổn và hoạt động kinh tế thương mại khu vực chững lại là những nguyên nhân khiến tỷ lệ nghèo đói ở Mỹ Latin và Caribe tăng cao. Tác động của giá cả leo thang và tăng trưởng chững lại đối với người nghèo ở mỗi quốc gia là khác nhau. Nhưng để có thể ứng phó với tình trạng này, đòi hỏi sự phối hợp và các giải pháp đồng bộ từ tất cả các quốc gia trong khu vực.

Ngày 30/6, Quốc hội Brazil thông qua gói hỗ trợ trị giá 40 tỷ real, tương đương khoảng 175 nghìn tỷ VNĐ. Gói này bao gồm tăng cường chương trình phúc lợi Auxilio Brazil, cùng với đó là tăng số tiền thanh toán trong phiếu mua xăng và đưa ra một khoản viện trợ nhiên liệu cho những người lái xe tải, tài xế taxi.

Hỗ trợ phúc lợi cho những thành phần nghèo nhất và ưu tiên đảm bảo an ninh lương thực là những giải pháp trước mắt mà nhiều quốc gia Mỹ Latin đang áp dụng để ứng phó với tình trạng đói nghèo gia tăng hiện nay. Tuy nhiên về trung và dài hạn, giới phân tích cho rằng cần phải có các biện pháp giảm phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, để khu vực vốn nổi tiếng về sản xuất nông nghiệp này thoát khỏi nghịch cảnh thiếu đói.

Gia tăng tình trạng đói nghèo tại khu vực Mỹ Latin - Ảnh 2.

Anh Robinson Poveda - Nông dân tại Bogota, Colombia: "Giá phân bón nhập khẩu tăng cao đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người nông dân. Chúng tôi cũng đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu bằng cách thay thế các loại cây trồng, chẳng hạn như rau diếp, vì rau diếp có chu kỳ thu hoạch ngắn và cần ít bón phân hơn".

Mỗi quốc gia Mỹ Latin đang ghi nhận những dấu hiệu và cường độ khác nhau của tình trạng đói nghèo và mỗi nước có những biện pháp ứng phó riêng. Nhưng trong trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trở nên "khu vực hóa", Mỹ Latin và Caribe cần tăng cường vai trò của liên kết khu vực trong các ứng phó với khủng hoảng.

Ông Pedro Castillo - Tổng thống Peru: "Chúng ta phải phối hợp một cách đồng bộ để giải quyết những thách thức hiện nay trong nông nghiệp do thiếu phân bón, hay vấn đề tiếp cận thực phẩm đang tác động đến những người dễ bị tổn thương nhất. Trong bối cảnh này, chủ nghĩa đa phương và các diễn đàn hợp tác sẽ giúp tìm ra các cơ chế hiệu quả để chúng ta có thể hợp tác nhằm hỗ trợ các nỗ lực quốc gia".

Theo giới chuyên gia từ các tổ chức quốc tế, để có thể đối phó tình trạng đói nghèo gia tăng, khu vực Mỹ Latin và Caribe, ngoài nỗ lực nội tại, còn cần sự chung tay giúp sức từ các nguồn lực bên ngoài.

Gia tăng tình trạng nghèo đói bởi đại dịch, kể cả ở những quốc gia giàu có Gia tăng tình trạng nghèo đói bởi đại dịch, kể cả ở những quốc gia giàu có COVID-19 tạo ra một 'kỷ băng hà việc làm' và gia tăng tỷ lệ nghèo đói COVID-19 tạo ra một "kỷ băng hà việc làm" và gia tăng tỷ lệ nghèo đói Số người nghèo đói cùng cực gia tăng vì COVID-19 sẽ kéo dài đến năm 2021 Số người nghèo đói cùng cực gia tăng vì COVID-19 sẽ kéo dài đến năm 2021

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước