Món đồ trang sức bằng vàng hình xoắn ốc được tìm thấy trong ngôi mộ cổ. (Ảnh: Ancient Origins)
Ngôi mộ cổ này có niên đại 3.800 năm tuổi, từ thời đại đồ đồng sớm (khoảng 3500 - 2000 trước Công nguyên). Tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện một vật trang trí nhỏ hình xoắn ốc được làm từ vàng thật. Theo thông cáo báo chí của Đại học Tübingen, món trang sức bằng vàng nói trên là vật thể kim loại quý giá và lâu đời nhất từng được khai quật ở khu vực này.
Cuộc khai quật do Giáo sư Raiko Krauss, một nhà khảo cổ học của Đại học Tübingen, và Tiến sĩ Jörg Bofinger, thuộc Văn phòng Quản lý di sản văn hóa bang Baden-Württemberg, dẫn đầu. Ngôi mộ và cổ vật bên trong mộ được tìm thấy ở quận Reusten, thị trấn Ammerbuch, cách thành phố Tübingen 7 km.
Các nhà nghiên cứu cho biết trong một bài báo công bố phát hiện của họ trên tạp chí Praehistorische Zeitschrift: "Việc chôn cất phù hợp với nghi lễ từ thời kỳ đồ đồng trên cao nguyên và rõ ràng có liên quan đến một khu định cư trên đồi ở Kirchberg, quận Reusten, thuộc thị trấn Ammerbuch".
Trang sức bằng vàng được tìm thấy trong ngôi mộ của một phụ nữ ở thời đại đồ đồng sớm tại Ammerbuch. (Ảnh: Đại học Tübingen)
Món đồ trang sức bằng vàng được cán mỏng và được xác định là một vật trang trí trên tóc. Đồ trang sức này có lẽ thuộc về người phụ nữ mà hài cốt được tìm thấy trong ngôi mộ cổ. Người phụ nữ này dường như là một người có địa vị xã hội do có thể sở hữu một món đồ cao cấp như vậy.
Trang sức bằng vàng được tìm thấy ở bên cạnh người phụ nữ, nhưng gần hông hơn là hộp sọ. Điều này cho thấy, người phụ nữ không đeo vật trang trí hình xoắn ốc vào thời điểm được chôn cất. Đó là món đồ duy nhất được tìm thấy bên trong ngôi mộ, vì vậy, đây chắc hẳn là đồ trang sức mà người phụ nữ này rất yêu thích và trân trọng.
Bộ xương được bảo quản tốt, tạo điều kiện cho nhóm nghiên cứu tiến hành xác định tuổi bằng đồng vị carbon một cách chính xác. Người phụ nữ được chôn cất vào khoảng giữa năm 1850 - 1700 trước Công nguyên, khi Trung Âu đang chuyển đổi từ cuối thời kỳ đồ đá mới sang thời đại đồ đồng sớm. Trên thực tế, người phụ nữ được đặt trong ngôi mộ trong tư thế bào thai quay mặt về phía Nam. Đây là một nghi lễ truyền thống phổ biến trong nhiều lễ chôn cất ở thời đại hậu đồ đá mới.
Nhà nghiên cứu và địa chất học Gregor Borg thuộc Đại học Halle (Đức) đãi đất cát tìm vàng ở sông Carnon. (Ảnh: Ancient Origins)
Phân tích hóa học cho thấy, vàng là một hợp kim tự nhiên. Thành phần hóa học của nó bao gồm 20% bạc, từ 1 - 2% đồng và một lượng nhỏ hơn bạch kim và thiếc. Các hợp kim vàng đã được khai thác nhưng chưa qua xử lý, có dấu tích đặc biệt, giúp các nhà nghiên cứu tìm ra nguồn gốc địa lý.
Khi các nhà khảo cổ xác định nguồn gốc của hợp kim đặc biệt này, họ đã hoàn toàn ngạc nhiên. Theo đó, dường như hợp kim này trùng khớp với vàng của vùng Cornwall ở Tây Nam Vương quốc Anh. Theo đó, số vàng này có thể bắt nguồn từ khu vực gần sông Carnon, nơi đã từng sản xuất ra một lượng đáng kể loại kim loại quý được ưa chuộng nhất này.
Cornwall cách thành phố Tubingen khoảng 1.200 km. Như vậy, vàng để làm đồ trang sức cho tóc này đã được vận chuyển rất xa. Điều này chứng tỏ, mạng lưới giao thương đóng vai trò nổi bật trong cuộc sống của người dân châu Âu trong thời đại đồ đồng sớm.
Biểu tượng Đĩa bầu trời Nebra nổi tiếng được tìm thấy không xa nơi khai quật được đồ trang sức bằng vàng xoắn ốc. (Ảnh: Ancient Origins)
Người phụ nữ trong mộ có thể có địa vị cao vì mang món trang sức xa xỉ. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là hài cốt chỉ được chôn với một món trang sức duy nhất, không còn vật dụng nào khác. Điều này có thể cho thấy, người này không phải là một người giàu có và quyền lực, có thể bà đã được tặng một món đồ đặc biệt mà bà trân trọng.
Có thể người phụ nữ này đã từng là người hầu trong một gia đình giàu có và được chủ nhân quý trọng, tặng cho món đồ bằng vàng như một món quà. Cũng có thể người này đã từng giàu có một thời, nhưng gia đình gặp khó khăn và buộc phải bán gần hết tài sản có giá trị của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!