Biện pháp đóng cửa và thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã chứng tỏ hiệu quả tại nhiều quốc gia, khi giúp khống chế đáng kể khả năng lây lan virus SARS-CoV-2. Minh chứng là nhiều quốc gia đã bắt đầu mở cửa để tái thiết lập cuộc sống bình thường. Đây có thể là tín hiệu tốt với người dân thế giới, nhưng cùng lúc lại là nỗi đau đầu đối với các chuyên gia y tế và nhà sản xuất vaccine. Bởi họ đang bị vào tình huống khó rằng sẽ không tìm đủ tình nguyện viên để thử nghiệm độ hiệu quả của vaccine.
Theo các chuyên gia, tốc độ lây nhiễm giảm, số ca mắc thấp tại một số khu vực từng là điểm nóng dịch đã buộc giới khoa học và các nhà sản xuất vaccine phải đau đầu "săn tìm" các điểm nóng dịch để phục vụ mục đích thử nghiệm.
Vaccine điều trị dịch bệnh COVID-19 đang trong quá trình được các nhà khoa học hai nước Nhật Bản và Trung Quốc tìm tòi.
Ông Pascal Soriot - Giám đốc điều hành công ty sinh học AstraZeneca: "Tôi cho rằng vấn đề tất cả chúng ta sẽ phải đối mặt là chạy đua với thời gian. Bởi thực tế là tình hình dịch ở châu Âu cũng đang có chiều hướng thuyên giảm. Mỹ và Anh vẫn còn khá rối ren vì dịch bắt đầu muộn hơn. Nhưng sớm thôi, chúng ta sẽ thấy độ nghiêm trọng của dịch sẽ giảm dần đi, tạo ra nhiều rào cản cho các cuộc thử nghiệm".
Việc thử nghiệm vaccine dựa trên phân chia ngẫu nhiên tình nguyện viên trong nhóm điều trị và nhóm sử dụng giả dược, sau đó cho họ quay trở lại cộng đồng nơi vẫn đang có dịch. Tỷ lệ lây nhiễm ở 2 nhóm sẽ được đem ra so sánh để chứng minh hiệu quả của vaccine.
Giáo sư Andrian Hill - Giám đốc Viện Jenner thuộc Đại học Oxford: "Khi dịch không lan rộng trong cộng đồng, tình nguyện viên không thể tiếp xúc với virus nên rất khó để biết vaccine có tạo sự khác biệt hay không. Chúng tôi từng nói rằng khoảng 80% khả năng phát triển được vaccine hiệu quả vào tháng 9. Nhưng lúc này, khả năng ấy chỉ còn 50%. Dù chúng tôi không muốn dịch kéo dài hơn, nhưng khi mức độ nghiêm trọng của dịch đang giảm đi nhanh chóng, giai đoạn thử nghiệm tiếp theo cũng giảm đi cơ hội thành công".
Giải pháp lúc này là tìm đến những khu vực căn bệnh tiếp tục lây lan. Với gần 600.000 ca dương tính và hơn 100.000 trường hợp tử vong, Chính phủ Brazil đã chấp thuận thử nghiệm trên người vaccine của Đại học Oxford.
Tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu đang nỗ lực rút ngắn thời gian để sớm có vaccine ngừa COVID-19.
Tình thế thiếu đối tượng thử nghiệm cũng đẩy công ty công nghệ sinh học của Mỹ AstraZeneca đến thế khó xử khác. Công ty này đang tính đến việc có nên tiến hành chủ động lây nhiễm virus trên người nhằm đánh giá độ hiệu quả của vaccine, thay vì chờ đợi thời gian dài để kiểm đếm số lượng tình nguyện viên miễn dịch sau tiêm chủng. Dù thế, đây vẫn là phương pháp hiếm khi được sử dụng, do rủi ro cao và gây tranh cãi về mặt đạo đức rất lớn.
Bên cạnh đó vẫn luôn tồn tại lo ngại về khả năng đầu tư vào vaccine có thật sự bền vững khi mọi công sức, tiền của đổ vào nghiên cứu và sản xuất có thể "đổ sông đổ bể" nếu vaccine không đủ hiệu quả.
Không chỉ quá trình thử nghiệm vaccine, khó khăn trong việc tìm kiếm tình nguyện viên cũng đã xảy ra trong quá trình nghiên cứu hiệu quả của thuốc trị sốt rét Hydroxychloroquine và thuốc kháng virus Remdesivir.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!