Thực tế trên làm dấy lên lo ngại chỉ hai năm sau cú sốc năng lượng ban đầu của khu vực châu Âu.
Mức dự trữ khí đốt đang cạn kiệt nhanh chóng khi thời tiết đang dần chuyển sang mùa đông, làm tăng nhu cầu sưởi ấm. Thị trường thắt chặt phản ánh thách thức của châu lục này trong việc từ bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Châu Âu đối mặt nguy cơ khủng hoảng năng lượng
Ngày 16/11, Công ty năng lượng Gazprom của Nga chính thức ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Áo - thị trường xuất khẩu khí đốt lớn cuối cùng của Nga ở châu Âu. Chính phủ Áo khẳng định đã sẵn sàng cho tình huống này, trong khi châu Âu đang từng bước giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Thủ tướng Áo Karl Nehammer phát biểu: "Các cơ sở lưu trữ của chúng tôi hiện đạt 93%, nghĩa là 94,5 terawatt giờ hoặc hàng tỷ mét khối khí đốt đang được lưu trữ. Con số này lớn hơn nhu cầu hàng năm của toàn nước Áo".
Dừng cung cấp khí đốt cho Áo qua tuyến Nga - Ukraine, Nga chỉ còn hai bạn hàng tại châu Âu là Hungary và Slovakia. Hungary nhận khí đốt qua một đường ống chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, chỉ còn duy nhất Slovakia nhận khí đốt qua đường ống có từ thời kỳ Liên Xô trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, Kiev đã tuyên bố sẽ không tiếp tục vận chuyển khí đốt qua đường ống này từ năm 2025. Điều này có nghĩa là điểm kết nối cuối cùng giữa mạng lưới khí đốt của Nga và châu Âu có khả năng đóng cửa vào cuối tháng 12 năm nay.
Tuy vậy, cơ cấu nhập khẩu khí đốt từ Nga của EU đã có sự thay đổi, đưa Nga lần đầu tiên kể từ năm 2022 trở lại vị trí nhà cung cấp khí đốt chính cho EU vào tháng 9 vừa qua. Tỷ trọng khí đốt qua đường ống giảm xuống mức 60%, trong khi khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng lên mức 40%.
Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - tuyên bố: "Chúng ta vẫn nhập rất nhiều LNG từ Nga. Vậy tại sao không thay thế bằng LNG của Mỹ, rẻ hơn và giúp giảm giá năng lượng của chúng ta. Đó là điều mà chúng ta có thể thảo luận".
Căng thẳng leo thang ở Ukraine đã đẩy giá khí đốt tại châu Âu tăng khoảng 45% trong năm nay. Dù vẫn thấp hơn mức đỉnh trong năm 2022 nhưng mức giá cao này đe dọa làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đối với người tiêu dùng và gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất.
Mặc dù mùa đông ôn hòa năm 2022 đã giúp châu Âu tránh được tình trạng thiếu hụt khí đốt, nhưng triển vọng của năm nay kém chắc chắn hơn. Mùa đông lạnh giá ở những khu vực khác có thể làm tăng cạnh tranh đối với nguồn cung khí đốt, đẩy giá lên cao và tạo ra những thách thức mới cho châu Âu.
Mức độ nhạy cảm của thị trường khí đốt châu Âu trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Moscow qua Kiev không còn giống như trong hai năm đầu của cuộc xung đột Nga - Ukraine bởi đã có nguồn cung ứng đa dạng hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định EU sẽ phải áp dụng một cách tiếp cận toàn diện để tăng cường an ninh năng lượng. Một giải pháp được các nước châu Âu lựa chọn là trở lại với năng lượng hạt nhân.
Châu Âu quay trở lại với năng lượng hạt nhân
Các nhà máy điện hạt nhân đang hồi sinh tại châu Âu. Ngoại trừ Đức tuyên bố từ bỏ năng lượng nguyên tử, các nước Pháp, Thụy Điển, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Bulgaria và Romania đang thúc đẩy năng lượng hạt nhân - một nguồn năng lượng nay lại được đề cao.
(Ảnh: European Council on Foreign Relations)
Lãnh đạo các nước châu Âu nay không còn e dè khi cổ vũ cho điện hạt nhân. Tờ Libero ra tại Italy trích lời Thủ tướng nước này Giorgia Meloni cho biết rằng "Năng lượng nguyên tử là cần thiết cho tương lai". Bà Giorgia Meloni khẳng định: "Chúng ta cần kết hợp các nguồn năng lượng một cách cân bằng để cải thiện quá trình chuyển đổi".
Đối với Italy cũng như các nước thành viên Liên minh châu Âu, điện hạt nhân không chỉ giúp sớm đạt mục tiêu giảm phát thải mà còn có ý nghĩa chủ quyền năng lượng, giảm lệ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ vẫn phải nhập khẩu.
Tham vọng của Liên minh châu Âu trong lĩnh vực này rất lớn, theo tờ L'Opinion của Pháp. Vào tháng 5/2023, các nước châu Âu đã cùng Anh đặt mục tiêu xây dựng thêm "30 đến 45 lò phản ứng hạt nhân, đồng thời phát triển mô hình lò phản ứng cỡ nhỏ". "Pháp, Anh, Cộng hòa Czech, Ba Lan và Hungary đã khởi công xây dựng", "một loạt quốc gia khác đã công bố kế hoạch cụ thể". Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết trong mảng công nghiệp và dịch vụ sẽ có thêm hợp đồng từ những dự án xây mới nhà máy điện nguyên tử.
Mảng thiết kế và chế tạo lò phản ứng cỡ nhỏ đang được giới đầu tư quan tâm vì một lý do: hầu hết các dự án là do những tập đoàn tư nhân thực hiện. Tờ Faro de Vigo của Tây Ban Nha mô tả "một lò phản ứng cỡ nhỏ kích thước chỉ bằng 1/10, nhưng công suất tương đương 1/3 lò phản ứng truyền thống".
Hơn 2 năm kể từ khi Nga hạn chế nguồn cung, châu Âu vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ hệ thống năng lượng của mình. Dù EU đã đa dạng hóa nguồn cung nhưng nguy cơ gián đoạn và nhu cầu gia tăng do thời tiết mùa đông giá lạnh đẩy giá khí đốt tăng cao. Thực trạng này có thể tạo thêm áp lực cho người tiêu dùng và doanh nghiệp ở châu lục này. Trong bối cảnh đó, năng lượng hạt nhân có thể được xem là một giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng đối với các quốc gia châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!