Nhà Trắng chưa xác nhận kết quả để kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực
Nhiều người tụ tập trước cửa Nhà Trắng để ủng hộ ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh CNN
Hãng AP đưa tin, chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump chưa chính thức kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực cho ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden sau khi các hãng truyền thông lớn tại nước này thông báo ông Biden giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Một người phát ngôn của Cơ quan Dịch vụ tổng hợp (GSA) của chính phủ Mỹ cho biết cơ quan này vẫn chưa chính thức chắc chắn rằng ông Biden "rõ ràng" là người thắng cuộc. Sau khi xác định một cách chắn chắn người thắng cuộc là ông Biden, GSA mới giải phóng khoản tiền hàng triệu USD và mở cửa các cơ quan liên bang để đội ngũ chuyển tiếp của ông Biden bắt đầu triển khai các kế hoạch chuyển tiếp. Người phát ngôn trên khẳng định GSA sẽ tiếp tục tuân thủ và hoàn thành mọi yêu cầu được đặt ra trong khuôn khổ pháp luật Mỹ.
Vấn đề chuyển giao quyền lực sau cuộc bầu cử Mỹ 2020 đang trở thành tâm điểm chú ý sau khi xuất hiện nhiều lo ngại rằng Tổng thống Donald Trump sẽ không dễ dàng chấp nhận kết quả bầu cử mà ông cho là có nhiều gian lận.
Thông thường, quá trình chuyển giao được thực hiện dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền sắp mãn nhiệm và chính quyền mới, kể cả khi hai bên là những đảng phái đối lập. Vì vậy, việc Tổng thống Trump tuyên bố không chấp nhận kết quả và cam kết sẽ thực hiện các biện pháp pháp lý để "lật ngược tình thế" được cho là sẽ gây nhiều khó khăn trong cuộc chuyên giao lần này.
Trong nhiều tuần qua, ông Trump đã cáo buộc rằng cuộc bầu cử lần này có nhiều sai phạm và gian lận nghiêm trọng dù không đưa ra được bằng chứng cụ thể.
Ngày 7/11, đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump thông báo đã kiện lên tòa án ở Arizona rằng đơn vị bầu cử ở hạt Maricopa đông dân nhất của bang này đã vi phạm khiến nhiều phiếu bầu trong ngày bầu cử chính thức 3/11 bị bỏ.
Đơn kiện gửi lên Tòa Thượng thẩm Maricopa nêu rõ một số quan sát viên của phe Cộng hòa và 2 nhân chứng đã phát hiện các nhân viên phục vụ bầu cử hướng dẫn sai cho các cử tri trong việc sử dụng thùng bỏ phiếu, khiến kết quả bỏ phiếu không chính xác và làm thiệt hàng nghìn phiếu bầu cho Tổng thống Trump.
Theo đơn kiện, các nhân viên ở điểm bỏ phiếu đã nói với các cử tri về việc nhấn nút sau khi hệ thống bỏ phiếu ở đây phát hiện lỗi "quá tải". Đội ngũ của ông Trump cho rằng quyết định này đã không quan tâm tơi sự lựa chọn của cử tri trong cuộc bầu cử.
Đơn kiện yêu cầu tòa án cho phép thực hiện quy trình đánh giá thủ công với những thùng phiếu có vấn đề và cấm công nhận kết quả bầu cử cho tới khi hoàn tất đánh giá. Tuy nhiên, người phụ trách đối ngoại của bang Arizona đã phủ nhận cáo buộc này trong khi Ủy ban bầu cử hạt Maricopa từ chối bình luận. Trong động thái tương tự, đội ngũ vận động tranh cử của ứng cử viên Joe Biden cũng chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.
Không phải lúc thừa nhận thất bại!
Tổng thống đương nhiệm Donald Trump tuyên bố không chấp nhận kết quả bầu cử do các hãng truyền thông công bô. Ảnh CNN
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump vẫn chưa thừa nhận rằng nỗ lực tái tranh cử của ông đã thất bại. Điều này đã được ông Rudolph Giuliani - luật sư của nhà lãnh đạo Mỹ đương nhiệm, xác nhận hôm ngày 7/11 tại cuộc họp báo ở Philadelphia, bang Pennsylvania – một trong những bang chiến trường trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.
Tất nhiên, ông ấy không thừa nhận thất bại khi có ít nhất 600.000 lá phiếu nghi vấn ở Pennsylvania. Xác định các lá phiếu có hợp lệ hay không là việc ủy ban bầu cử địa phương và những người được ủy quyền khác phải làm, chứ không phải tôi. Theo luật, gánh nặng trách nhiệm xem xét các phiếu bầu vắng mặt hoặc bầu qua thư, thuộc về bên cung cấp chúng. Những tài liệu này phải được thanh tra"
Rudolph Giuliani - luật sư của nhà lãnh đạo Mỹ đương nhiệm
Theo ông Giuliani, hành vi của đảng Dân chủ là "bằng chứng gián tiếp mạnh mẽ" về những lá phiếu giả mạo trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
Theo phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam tại Mỹ chuyên theo dõi tình hình chính trị, ngay sau khi truyền thông tuyên bố ông Joe Biden thắng cử, ông Donald Trump đã ra tuyên bố nói rằng: "Cuộc bầu cử còn lâu với kết thúc; rằng có gian lận trong quá trình bầu cử; rằng ông Joe Biden chưa được xác nhận chiến thắng ở bất cứ bang nào; và rằng, chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump sẽ bắt đầu đưa vấn đề ra toà án ngay từ thứ hai, 9/11, theo giờ Mỹ".
Theo tuyên bố này, phía ông Donald Trump có thể sẽ yêu cầu kiểm phiếu lại ở một số bang, hay yêu cầu toà không công nhận những lá phiếu gửi tới sau ngày bầu cử 3/11. Khiếu nại là quyền của các ứng cử viên. Mỗi bang có quy định khác nhau, nhưng phải xử lý tranh chấp khiếu kiện, tranh chấp xong chậm nhất vào ngày 8/12.
Tuy nhiên theo phân tích của tờ TIME, những khiếu kiện của tổng thống Mỹ thứ 45 ít có khả năng thành công.
Khó có thể thay đổi kết quả cuộc bầu cử
Các thùng phiếu gửi qua đường bưu điện đang chờ phân phối cho các nhân viên phân loại tại trung tâm xử lý phiếu gửi qua thư tại Pomona Fairplex ở Pomona, California, vào ngày 28 tháng 10 năm 2020. Ảnh: AFP
Sau khi ông Biden tuyên bố chiến thắng, Tổng thống Donald Trump dường như đã sẵn sàng tiếp tục đấu tranh trước tòa. Trong các bình luận từ Nhà Trắng, ông thề sẽ theo đuổi vụ kiện ở Pennsylvania. Nhưng các chuyên gia pháp lý nói rằng cơ hội mở cánh cửa vào Nhà Trắng lần thứ hai của ông trong cuộc bầu cử này đang giảm dần. Nhiều vụ kiện trong chiến dịch tranh cử của ông được đệ trình trong tuần này đã bị bác bỏ vì thiếu chứng cứ.
Ông Justin Levitt, một giáo sư luật tại Trường Luật Loyola, trả lời phỏng vấn với tờ TIME rằng "Thực sự tôi thấy không có khả năng nào có thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng".
Các thẩm phán đã loại bỏ hoặc ra phán quyết chống lại các vụ kiện tranh về quá trình kiểm phiếu của ông Trump ở các bang Pennsylvania, Nevada, Georgia và Michigan. Các quan chức bang tiếp tục kiểm phiếu ở Nevada, Bắc Carolina và Arizona do đội ngũ tranh cử của ông Trump vẫn chưa nộp đơn kiện sau bầu cử ở các bang đó.
Đội ngũ tranh cử của Trump cũng cho biết họ sẽ yêu cầu kiểm phiếu lại ở Wisconsin, nơi mà hãng tin AP gọi là bang của ứng cử viên Joe Biden. Yêu cầu kiểm phiếu lại ở Wisconsin không cần kiện. Các quan chức bang, bao gồm cả cựu Thống đốc Đảng Cộng hòa Scott Walker cảnh báo rằng kể cả có kiểm phiếu lại thì cũng khó thay đổi được kết quả cuộc bầu cử.
Bang Pennsylvania
Các lá phiếu đều được kiểm tra kỹ tính hợp lệ trước khi kiểm đếm. Ảnh The Guardian
Tổng chưởng lý bang Pennsylvania, ông Josh Shapiro cho biết "đã có rất nhiều ồn ào về việc kiện tụng" nhưng nó đã "không có tác động đáng kể" đến quá trình bầu cử. "Việc kiểm phiếu vẫn tiếp tục. Các lá phiếu hợp pháp đang được kiểm tra", ông nói. Kể từ thứ Ba, chiến dịch đã nộp ít nhất năm vụ kiện riêng biệt, và tổng chưởng lý bang đã đưa ra những phản hồi khác nhau cho mỗi vụ.
1. Yêu cầu các nhân viên bầu cử tại bang Philadelphia ngừng kiểm phiếu.
Một thẩm phán liên bang đã bác bỏ yêu cầu này.
2. Yêu cầu nhân viên bầu cử tiểu bang cho phép các nhân viên đội ngũ tranh cử của ông Trump quan sát kỹ hơn quá trình kiểm phiếu.
Một thẩm phán tiểu bang đã ra phán quyết có lợi cho chiến dịch, cho phép các quan chức chiến dịch quan sát quá trình kiểm phiếu ở bang Philadelphia từ khoảng cách 6 feet, tức khoảng 1.8m. Các nhân viên bầu cử Philadelphia đã kháng cáo quyết định này lên Tòa án Tối cao của tiểu bang, và tòa án đang xem xét đơn kháng cáo đó.
3. Yêu cầu Thư ký trưởng của bang Pennsylvania là bà Kathy Boockvar và tất cả 67 quận đưa thông cáo yêu cầu cử tri xuất trình thẻ căn cước để chứng minh cử tri không đi bầu hai lần.
Việc kiện tụng đang diễn ra. Chủ tọa phiên tòa ra lệnh cho tất cả các quận tách các lá phiếu nếu cử tri không cung cấp giấy tờ tùy thân bổ sung trước ngày 9/11. Các lá phiếu có giấy tờ tùy thân bổ sung được cung cấp sau ngày 9/11 sẽ không được tính trừ khi tòa án chấp thuận.
Các đảng viên Cộng hòa địa phương đã đệ đơn kiện riêng bà Boockvar lên tòa án bang, cáo buộc rằng bà đã vi phạm luật của bang khi đưa ra hướng dẫn không đầy đủ, khiến cử tri có thiếu sót trong lá phiếu gửi qua thư của họ để đăng ký bỏ phiếu tạm thời. Bà cũng bị cáo buộc đã ngăn việc nhân viên kiểm những lá phiếu tạm thời đó. Một thẩm phán tiểu bang đã từ chối giải quyết các cáo buộc này nhưng ra lệnh cho các nhân viên bầu cử lọc các lá phiếu tạm thời thiếu thông tin này ra.
4. Yêu cầu Hội đồng Bầu cử Quận Montgomery ngừng kiểm phiếu gửi qua thư
Ban vận động tranh cử của tổng thống Donald Trump và Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa đã đệ đơn kiện để ngăn chặn quá trình kiểm phiếu gửi qua thư ở Quận Montgomery, một trong những quận ở ngoại ô thành phố Philadelphia, cáo buộc rằng hội đồng bầu cử đã kiểm đếm 600 lá phiếu không được đặt trong phong bì bảo mật. Do đó, các lá phiếu này không hợp lệ. Dữ liệu bầu cử ở bang Pennsylvania cho thấy quận Montgomery đã bỏ phiếu áp đảo bầu cho ông Biden.
Việc kiện tụng vẫn đang diễn ra.
5. Tranh cãi về việc các lá phiếu được gửi đến địa điểm bầu cử sau 8 giờ tối của Ngày Bầu cử có được tính hay không.
Việc kiện tụng này đang diễn ra. Một số chuyên gia pháp lý nghi ngờ Tòa án Tối cao Mỹ sẽ tiếp nhận vụ việc, trong khi những người khác nói rằng ngay cả khi Bộ Tư pháp làm như vậy, phán quyết của họ khó có thể thay đổi kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống.
Michael Dimino, một chuyên gia luật bầu cử tại Đại học Widener ở Pennsylvania, cho biết: "Tôi nghĩ rằng tòa án sẽ rất do dự khi tham gia vào quá trình trong bối cảnh chính trị gây tranh cãi nhất đang diễn ra".
Bang Nevada
Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã cáo buộc hai trường hợp ảnh hưởng đến việc kiểm phiếu, đó là:
1. Áp đặt lệnh đối với các máy xác minh chữ ký tự động được sử dụng ở Quận Clark khi các lá phiếu tiếp tục được kiểm đếm
Một thẩm phán liên bang đã bác bỏ yêu cầu vào ngày 6/11, phán quyết rằng các thẩm phán liên bang không được tham gia vào việc quản lý bầu cử của tiểu bang và không có bằng chứng Quận Clark đang làm bất cứ điều gì trái pháp luật.
Cáo buộc được đưa ra sau khi ban vận động tranh cử của tổng thống Trump đã tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 5/11, giới thiệu bà Jill Stokey, một cử tri tại bang Nevada. Bà cho biết rằng bà đã cố gắng bỏ phiếu, nhưng ai đó đã bỏ phiếu qua đường bưu điện dưới danh nghĩa tên của bà. Bà cáo buộc rằng công nghệ xác minh chữ ký được sử dụng ở Quận Clark, quận đông dân nhất trong tiểu bang, đã cho phép ai đó bỏ phiếu mạo danh bà. Dù không đưa được bằng chứng để chứng minh "ai đó" đã làm điều này, bà Stokey cáo buộc rằng "các thủ tục lỏng lẻo để xác thực lá phiếu qua thư" đã dẫn đến "hơn 3.000 trường hợp cá nhân không đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu".
Ông Aaron Ford, Tổng chưởng lý bang Nevada, gọi những cáo buộc của bà Stokey là "vô lý". Ông nói trong một tuyên bố: "Mặc dù Văn phòng Tổng chưởng lý thường không bình luận về các vụ kiện tụng đang chờ xử lý, nhưng tôi cảm thấy buộc phải xóa bỏ thông tin sai lệch đang được phát tán rộng rãi nhằm làm suy yếu lòng tin của công chúng đối với cuộc bầu cử của chúng tôi".
2. Yêu cầu các nhân viên bầu cử tiểu bang cho phép công chúng quan sát kỹ hơn tại cơ sở kiểm phiếu của Quận Clark
Ban vận động tranh cử của ông Trump, Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa, và nguyên đơn, ông Fred Krause, đã đệ đơn kiện trước ngày bầu cử lên tòa án bang nhằm tìm cách tạm dừng quá trình kiểm phiếu ở Quận Clark cho đến khi họ có thể quan sát quá trình này.
Một thẩm phán quận đã bác bỏ vụ kiện, phán quyết rằng họ không đủ tư cách để đưa ra các yêu sách và không có bằng chứng để chứng minh lập luận của họ. Các nguyên đơn đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao bang. Trong lệnh ngày 5/11, Tòa án tối cao của bang cho biết các đảng viên Cộng hòa của bang và nhân viên chiến dịch tranh cử của ông Trump đã đạt được thỏa thuận. Theo đó, khu vực bầu cử sẽ phải mở rộng khả năng quan sát để công chúng có thể nhìn thấy tất cả các bảng đếm số phiếu bầu.
Bang Michigan
Chiến dịch tranh cử của ông Trump và các đảng viên đảng Cộng hòa tiếp tục đệ đơn kiện không thành công nhằm ngăn chặn việc kiểm phiếu của bang.
1. Yêu cầu tạm dừng kiểm phiếu vắng mặt, với lý do các nhân viên ban vận động tranh cử không được tiếp cận để giám sát quy trình theo yêu cầu của luật tiểu bang
Thẩm phán Cynthia Stephens của Tòa án Michigan đã từ chối yêu cầu của ban vận động chiến dịch tranh cử của ông Trump vào ngày 6/11.
2. Tạm dừng chứng nhận kết quả bầu cử ở Detroit, thành phố lớn nhất bang Michigan và là thành trì của đảng Dân chủ
Thẩm phán Timothy Kenny đã bác bỏ lệnh cấm vào ngày 6/11, nói rằng không có bằng chứng cho thấy các thủ tục giám sát bị vi phạm.
"Quyết định nhanh chóng của Chánh án Kenny phản ánh quyết định ngày hôm qua của Thẩm phán Stephens của Tòa án tối cao, một lần nữa, các cáo buộc chỉ là suy đoán," Thư ký báo chí của Tổng chưởng lý Michigan trả lời báo giới.
Vụ việc xảy ra không phải do chiến dịch tranh cử của ông Trump khởi xướng, mà do một nhóm bảo thủ, Quỹ Liêm chính Bầu cử tìm cách ngăn các nhân viên bầu cử ở Detroit "chữa" cho những lá phiếu vắng mặt mà ban đầu máy không thể đọc được, một điều bình thường của quy trình kiểm phiếu. Nội dung cáo buộc được đưa ra rằng việc kiểm phiếu không phải lúc nào cũng được giám sát bởi các thanh tra bầu cử từ cả hai đảng, và việc công nhận kết quả bầu cử nên được xem xét lại cho đến khi các thanh tra viên chứng thực được tính minh bạch của quá trình kiểm phiếu.
Bang Georgia
Ở Georgia, nơi cuộc bầu cử được chứng minh là tuân thủ quy tắc một cách chặt chẽ, thì ban vận động tranh cử của ông Trump cũng đưa ra một cáo buộc
Loại khoảng 53 phiếu bầu
Một người theo dõi cuộc thăm dò ở Quận Chatham cho biết họ đã nhìn thấy một chồng phiếu bầu muộn có thể đã đến sau hạn chót của Ngày Bầu cử là thời điểm 19 giờ tối bị lẫn lộn với những lá phiếu đã đến đúng giờ.
Một thẩm phán của Tòa án Cấp cao ở Quận Chatham đã bác bỏ đơn kiện vào ngày 5/11 sau khi nghe lời khai từ các quan chức quận rằng trên thực tế, các lá phiếu đã đến đúng giờ. "Không có bằng chứng nào cho thấy các lá phiếu bị cáo buộc trong đơn kiện đến sau giờ quy định của Ngày Bầu cử".
Trên đây là những ví dụ cụ thể của những đơn khiếu nại và cáo buộc mà ban vận động tranh cử của tổng thống Donald Trump đưa ra. Có những khiếu nại sẽ được giải quyết ngay, nhưng cũng có những khiếu nại sẽ kéo dài trong nhiều ngày.
Câu chuyện chưa có hồi kết
Ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng vẫn chưa được công bố chính thức. Ảnh BBC
Hiện tại, những người biểu tình ủng hộ ông Trump đã bao vây các trung tâm kiểm phiếu trên khắp nước Mỹ kêu gọi chấm dứt kiểm phiếu, thậm chí một lương đông người Mỹ tuần hành trên đường phố để yêu cầu các quan chức "đếm từng phiếu bầu". Một chỉ thị mới từ Bộ Tư pháp cho phép các sĩ quan liên bang có vũ trang vào các trung tâm bỏ phiếu để điều tra nguy cơ gian lận bầu cử, một động thái được cho là sẽ gây áp lực lên các nhân viên kiểm phiếu.
Tờ Sydney Morning Herald trích lời Tiến sĩ Thomas J. Adams, một chuyên gia về lịch sử và chính trị Mỹ tại Đại học Sydney, cho biết: "Bỏ phiếu qua bưu điện đã được xây dựng trong các hệ thống bầu cử của bang trong nhiều thập kỷ mà không gặp trở ngại. Nhưng các lá phiếu gửi qua thư cũng có xu hướng xoay chuyển giữa hai đảng, do đó các thuật ngữ "ảo ảnh màu đỏ" và "làn sóng xanh". Kết quả bầu cử có thể làm thay đổi bản đồ lúc xanh – lúc đỏ, có thể là do phiếu bầu cho đảng Cộng hòa ở trên, nên bản đồ màu đỏ, nhưng ở cuối thùng phiếu lại toàn là cử tri của đảng Dân chủ chẳng hạn".
Bầu cử Hoa Kỳ là sự kiện lớn đòi hỏi nhân lực khổng lồ, các phiếu bầu thường được tính trong nhiều ngày và thậm chí vài tuần sau ngày bầu cử. Đó là lý do tại sao các bang có thời hạn sẵn có của riêng họ khi công bố kết quả kiểm phiếu cuối cùng. Và cho đến ngày 14/12 kết quả cuối cùng mới được công bố trước Quốc hội.
Tham khảo: CNN, New York Times, TIME, Sydney Morning Herald
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!