Đột phá trong phòng ngừa HIV:

Tiêm thuốc dự phòng 2 lần một năm có hiệu quả 100% chống nhiễm virus HIV

Song Anh (Theo Japantoday)-Thứ ba, ngày 16/07/2024 15:46 GMT+7

VTV.vn - Thử nghiệm thuốc cho thấy, việc tiêm thuốc dự phòng Lenacapavir trước phơi nhiễm 2 lần một năm sẽ mang lại cho phụ nữ trẻ sự bảo vệ hoàn toàn khỏi nhiễm HIV.

Một thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn ở Nam Phi và Uganda đã chỉ ra rằng, việc tiêm một loại thuốc dự phòng có tên Lenacapavir trước phơi nhiễm 2 lần một năm sẽ mang lại cho phụ nữ trẻ sự bảo vệ hoàn toàn khỏi nhiễm HIV.

Cuộc thử nghiệm với 5.000 người tham gia diễn ra tại ba địa điểm ở Uganda và 25 địa điểm ở Nam Phi để kiểm tra hiệu quả của Lenacapavir và hai loại thuốc khác xem liệu việc tiêm Lenacapavir có mang lại khả năng bảo vệ chống nhiễm HIV trong 6 tháng tốt hơn hai loại thuốc khác (thuốc uống hàng ngày). Cả ba loại thuốc này đều là thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).

Tiêm thuốc dự phòng 2 lần một năm có hiệu quả 100% chống nhiễm virus HIV - Ảnh 1.

Lenacapavir (Len LA) là một chất ức chế tổng hợp capside. Nó can thiệp vào vỏ capsid của HIV, lớp vỏ protein bảo vệ vật liệu di truyền của HIV và các enzyme cần thiết cho quá trình sao chép. Lenacapavir được tiêm dưới da, 6 tháng một lần. Cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng được tài trợ bởi nhà phát triển thuốc Gilead Sciences.

Điều đầu tiên các nhà nghiên cứu quan tâm là liệu việc tiêm Lenacapavir có an toàn hay không và có mang lại khả năng bảo vệ chống nhiễm virus HIV trong 6 tháng cho phụ nữ trong độ tuổi từ 16 đến 25 tốt hơn so với Truvada F/TDF (một loại thuốc PrEP hàng ngày được sử dụng rộng rãi trong hơn một thập kỷ qua) hay không.

Điều thứ hai là thử nghiệm cũng kiểm tra xem liệu Descovy F/TAF, một loại thuốc uống hàng ngày mới hơn, có hiệu quả như F/TDF hay không. F/TAF mới hơn (loại thuốc viên nhỏ hơn, được sử dụng cho nam giới và người chuyển giới nữ) có đặc tính dược động học vượt trội so với F/TDF.

Ở miền Đông và miền Nam châu Phi, phụ nữ trẻ chiếm tỉ lệ lớn trong các ca nhiễm HIV mới. Họ cũng nhận thấy việc duy trì chế độ PrEP hàng ngày rất khó khăn vì một số lý do về mặt xã hội.

Trong giai đoạn thử nghiệm ngẫu nhiên, không ai trong số 2.134 phụ nữ dùng Lenacapavir bị nhiễm HIV. Hiệu quả 100%. Trong khi đó, 16 trong số 1.068 phụ nữ (1,5%) dùng Truvada (F/TDF) và 39 trong số 2.136 (1,8%) dùng Descovy (F/TAF) đã nhiễm virus HIV.

Kết quả tại cuộc đánh giá của ban giám sát an toàn dữ liệu độc lập gần đây đã dẫn đến khuyến nghị rằng nên dừng giai đoạn thử nghiệm và tất cả những người tham gia nên được lựa chọn PrEP.

Hội đồng này là một ủy ban độc lập gồm các chuyên gia được thành lập khi bắt đầu thử nghiệm lâm sàng. Họ xem dữ liệu vào những thời điểm quy định trong quá trình thử nghiệm để theo dõi tiến độ và sự an toàn. Họ đảm bảo rằng thử nghiệm sẽ không tiếp tục nếu có tác hại hoặc lợi ích rõ ràng với một nhóm so với nhóm khác.

Bước đột phá này mang lại hy vọng lớn rằng chúng ta có một công cụ phòng ngừa hiệu quả cao đã được chứng minh để bảo vệ con người khỏi HIV.

Tiêm thuốc dự phòng 2 lần một năm có hiệu quả 100% chống nhiễm virus HIV - Ảnh 2.

Có 1,3 triệu ca nhiễm HIV mới trên toàn cầu trong năm qua. Mặc dù con số này ít hơn 2 triệu ca nhiễm trong năm 2010 nhưng rõ ràng là với tốc độ này chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu về số ca nhiễm HIV mới mà UNAIDS đặt ra cho năm 2025 (dưới 500.000 ca trên toàn cầu) hoặc mục tiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030.

Các nhà khoa học khuyến nghị, PrEP nên được cung cấp cùng với việc tự xét nghiệm HIV, tiếp cận bao cao su, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục và tiếp cận các biện pháp tránh thai cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Các nhà khoa học và nhà hoạt động về HIV hy vọng rằng việc tiêm phòng HIV 2 lần một năm có thể làm giảm bớt những khó khăn và rào cản với những người trẻ tuổi. Đối với một phụ nữ trẻ đang gặp khó khăn trong việc đến cuộc hẹn tại phòng khám ở thị trấn hoặc không thể uống thuốc mà không phải đối mặt với sự kỳ thị, chỉ cần tiêm 2 lần một năm là lựa chọn có thể giúp cô ấy không bị nhiễm HIV.

Một thử nghiệm tương tự cũng đang được tiến hành ở một số địa điểm ở châu Phi đối với người chuyển giới và người có quan hệ tình dục đồng giới. Các nhà khoa học cho biết điều quan trọng là phải tiến hành thử nghiệm giữa các nhóm khác nhau vì họ đã thấy sự khác biệt về hiệu quả. Quan hệ tình dục qua đường hậu môn hay âm đạo đều quan trọng và có thể ảnh hưởng đến hiệu quả.

Trong vòng vài tháng tới, công ty sẽ gửi hồ sơ cùng với tất cả kết quả nghiên cứu cho một số cơ quan quản lý quốc gia, đặc biệt là các cơ quan quản lý của Uganda và Nam Phi. Tổ chức Y tế Thế giới cũng sẽ xem xét dữ liệu và có thể đưa ra khuyến nghị.

Bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa HIV Bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa HIV

VTV.vn - Viện Y tế quốc gia Mỹ thông báo bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine mới ngừa HIV. Vaccine có tên gọi là VIR-1388.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước