Việc thiếu nguồn cung vaccine COVID-19 ở nhiều quốc gia đang khiến chiến lược tiêm chủng bị chững lại. Một nghiên cứu mới đây của Đại học Oxford, Anh với sự tham gia của 830 người trên 50 tuổi, đã chỉ ra việc tiêm ghép hai loại vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer và AstraZeneca cách nhau 4 tuần, có thể giải quyết vấn đề thiếu vaccine, nhưng sẽ gia tăng tác dụng phụ mà bệnh nhân sẽ gặp phải so với chỉ tiêm 1 loại.
Nếu cả hai mũi tiêm đều là vaccine AstraZeneca, mức phản ứng cơ thể là 10%. Nếu cả 2 lần đều là vaccine Pfizer thì tỷ lệ phản ứng là 21%. Nhưng nếu tiêm một lần là vaccine AstraZeneca, lần kia là vaccine Pfizer, dù theo bất kì thứ tự nào, tỉ lệ phản ứng sẽ đều tăng lên 34%.
Các phản ứng cơ thể như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ... khi tiêm ghép vaccine đều cao hơn khi chỉ tiêm 1 loại vaccine. Tuy nhiên các chuyên gia nhấn mạnh, những biểu hiện này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và tự hết, không cần lo về phản ứng phụ hay độ an toàn của vaccine.
Hiện một nghiên cứu khác về tiêm ghép vaccine COVID-19 của Moderna và Novavax cũng đang được tiến hành, nhằm tìm hiểu xem liệu việc kết hợp vaccine có thể mang lại khả năng miễn dịch rộng hơn, lâu hơn trước các biến thể mới của virus hay không.
Theo thông tin mới nhất, hai tỉnh của Canada là Ontario và Quebec đã tuyên bố sẽ tiêm ghép các loại vaccine với nhau, do tình trạng vận chuyển vaccine bị chậm trễ và quan ngại về sự xuất hiện các cục máu đông nếu chỉ tiêm mỗi một loại vaccine AstraZeneca.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!