Đồng thời, sáng kiến cũng đề xuất ngừng nhập khẩu bất kỳ sản phẩm mới nào được phát triển bằng cách sử dụng thử nghiệm đó.
Những người ủng hộ đã muốn dừng tiến hành các cuộc thí nghiệm trên động vật, nói rằng chúng là phi đạo đức và không cần thiết. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối từ các cơ quan vận động hành lang dược phẩm mạnh mẽ của Thụy Sĩ, đồng thời họ cảnh báo về những thiệt hại kinh tế mà lệnh cấm này có thể gây ra.
Nghị sĩ Martin Haab của đảng Nhân dân Thụy Sĩ cho biết, kết quả trưng cầu dân ý cao hơn một chút so với dự kiến.
Ông Martin Haab nói: "Điều này cho thấy rằng, người dân đã nhận thức được những hậu quả đối với sức khỏe của họ nếu sáng kiến này được chấp thuận".
Theo đó, các cử tri lập luận rằng, lệnh cấm thử nghiệm trên động vật sẽ gây tác động xấu cho các ngành nghiên cứu và y tế ở Thụy Sĩ.
79% cử tri Thụy Sĩ đã bác bỏ lệnh cấm thử nghiệm động vật trong một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc. (Ảnh: Reuters)
Trong cuộc trưng cầu dân ý, sự ủng hộ của công chúng đối với sáng kiến này là rất hạn chế, và ủy ban đưa ra sáng kiến đã không thể giành được sự ủng hộ của một đảng hoặc tổ chức chính trị lớn nào. Đề xuất này bị Quốc hội Thụy Sĩ coi là quá cực đoan với lo ngại, sáng kiến sẽ cản trở hoạt động nghiên cứu khoa học và y tế ở Thụy Sĩ. Họ lập luận rằng, luật hiện hành, vốn chỉ cho phép thí nghiệm trên động vật nếu không có phương pháp nào thay thế, là đủ nghiêm ngặt.
Những người vận động cho sáng kiến này đã lập luận rằng ngoài sự đau khổ của động vật, các thí nghiệm trên động vật thường dẫn đến "ngõ cụt", bên cạnh đó có những giải pháp thay thế đã được chứng minh và những phương cách tốt hơn để thu thập kiến thức.
Đây là lần thứ tư Thụy Sĩ từ chối các đề xuất kêu gọi cấm thử nghiệm trên động vật. Trước đó, đề xuất đã được đưa ra vào các năm 1985, 1992 và 1993. Tuy nhiên, các nhà vận động khẳng định họ sẽ không bỏ cuộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!