Mặc dù chính quyền thành phố đã nới lỏng phòng chống dịch, người dân ở những khu vực không có ca nhiễm được phép ra ngoài, nhưng phần lớn người dân vẫn được yêu cầu ở yên trong nhà.
Ngày 27/3 vừa qua, cả khu phố nhà chị Liu - nhân viên kinh doanh tại Thượng Hải bị phong tỏa sau khi phát hiện các ca tiếp xúc gần với người mắc COVID-19. Thông báo ban đầu cho biết thời gian phong tỏa chỉ trong 1 tuần, nhưng đáng tiếc số ca mới tăng nhanh, lệnh phong tỏa liên tục được kéo dài. Toàn bộ nhu yếu phẩm được ngành chức năng địa phương cung cấp đến tận cửa.
Chị Liu cho biết: "Tôi được tiếp tế cả thịt cừu, nhưng tôi không ăn món này nên cứ để trong tủ. Tôi có mua há cảo và cả ngô nữa, tủ lạnh tôi nhỏ nên không tích trữ nhiều được. Nhìn đi nhìn lại, tôi cảm thấy trong thời gian phong tỏa mà mình được cung cấp như thế này là may mắn rồi".
Trái ngược cảm nhận của chị Liu, may mắn là thứ xa xỉ với chị Chen. Bố chị từng bị đột quỵ và nay đang mắc chứng Azheimer. Phong tỏa khiến bố chị không có thuốc điều trị, chị Chen như ngồi trên đống lửa. "Tôi gọi hỗ trợ nhưng ai cũng nói là đơn vị của họ đang bị phong tỏa, không thể làm gì để giúp cha tôi được. Không có thuốc, bệnh Alzheimer và đột quỵ có thể khiến cha tôi rơi vào trạng thái sống thực vật".
Một người giao hàng tại Thượng Hải ngày 10/4. Ảnh: VCG.
Nhiều khu vực ở Thượng Hải đã phong tỏa tới 3 tuần, với những người nước ngoài mắc kẹt trong thành phố, việc đảm bảo nhu yếu phẩm là rất khó khăn.
Anh Yusuke Hiyane - Người Nhật Bản tại Thượng Hải lo ngại: "Người nước ngoài không hiểu tiếng Trung thì rất khó mua đồ ăn thức uống, vì việc đăng ký qua mạng hoàn toàn bằng tiếng địa phương. Còn chưa nói đến việc quá nhiều người truy cập khiến các trang giao thực phẩm thường xuyên bị nghẽn mạng. Không biết tôi có đủ đồ ăn trong 14 ngày tới không nữa".
Giới chức Thượng Hải cho biết, người dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ thấp hơn, vẫn phải chịu sự kiểm soát và phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Hiện thành phố cũng đang nỗ lực mở lại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và hiệu thuốc, song các cơ sở kinh doanh không thiết yếu vẫn sẽ bị đóng cửa. Người dân di chuyển trong thành phố, đến các khu vực công cộng như chợ hay siêu thị sẽ phải quét mã QR. Chỉ những người có mã xanh, chứng tỏ sức khỏe tốt thì mới được vào. Chính sách Zero Covid của Trung Quốc đang ngày càng bị thách thức trước sự lây lan nhanh của biến thể Omicron.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!