Irmgard Furchner tại tòa án. (Ảnh: AP)
Người này được mệnh danh là "thư ký ác quỷ" khi mới 18 tuổi, làm việc cho chỉ huy của trại tập trung Stutthof, nơi hơn 60.000 người đã thiệt mạng.
Irmgard Furchner bắt đầu bị xét xử vào hơn một năm trước và dự kiến sẽ có phán quyết trong ngày 20/12.
Furchner bị cáo buộc là đồng phạm trong 11.412 vụ giết người tại trại tập trung Stutthof (gần Gdansk ở Ba Lan ngày nay) trong thời gian làm việc ở đây.
Theo các công tố viên, Irmgard Furchner "đã hỗ trợ và tiếp tay cho những người phụ trách trại trong việc giết hại có hệ thống những người bị giam giữ ở đó từ tháng 6/1943 đến tháng 4/1945, với vai trò là người viết tốc ký và đánh máy trong văn phòng chỉ huy trại".
Có lẽ có tới 100.000 người đã bị đưa đến giam giữ tại trại Stutthof trong chiến tranh. (Ảnh: Sky News)
Furchner, người hầu như từ chối trả lời các câu hỏi trong phiên tòa, nói trong tuyên bố kết thúc rằng bà rất tiếc về những gì đã xảy ra và lấy làm tiếc rằng bà đã ở trại Stutthof vào thời điểm đó.
Giáo sư Rainer Schulze, một nhà sử học người Đức và là giáo sư danh dự tại Đại học Essex, cho biết, "đây có thể sẽ là phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh cuối cùng thời Đức Quốc xã".
Khi sự hỗn loạn bao trùm vào lúc Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nhiều thành viên Đức quốc xã cấp cao đã trốn ra nước ngoài, trong khi những người khác quay trở lại cuộc sống bình thường của họ.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi luật pháp Đức thay đổi, đã có một số cựu nhân viên và lính tại trại tập trung ở độ tuổi 80 và 90 bị đưa ra xét xử với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh dưới chế độ Đức Quốc xã.
Cổng chính bằng gỗ tại trại tập trung Stutthof, gần Gdansk, Ba Lan. (Ảnh: AP)
Có lẽ có tới 100.000 người đã bị đưa đến trại tập trung Stutthof trong chiến tranh. Đằng sau hàng rào dây thép gai điện bao quanh nó, điều kiện sống là vô cùng tàn bạo. Nhiều tù nhân đã chết khi dịch sốt phát ban càn quét, trong khi nhiều người bị lính canh cho là không đủ sức khỏe hoặc quá ốm yếu để làm việc đã bị giết hại.
Trại Stutthof cũng được nhớ đến trong những ngày cuối cùng khi Hồng quân Liên Xô tiến vào, và nhiều sự việc đau lòng đã diễn ra khi hàng nghìn tù nhân bị lính canh chuyển đi dưới danh nghĩa "di tản".
Giáo sư Schulze nói: "Họ bị đưa lên những chiếc thuyền nhỏ và đẩy ra biển Baltic. Và mọi người đã chết trên những chiếc thuyền đó vì bị phơi nắng, không có nước uống, không có thức ăn".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!