Thông điệp Liên bang 2022: Tổng thống Joe Biden tái khẳng định Mỹ sẽ không triển khai quân đội tại Ukraine

Theo TTXVN-Thứ tư, ngày 02/03/2022 10:34 GMT+7

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AP)

VTV.vn - Vào lúc 9h sáng 2/3 giờ Việt Nam (tức tối 1/3 theo giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden bắt đầu đọc Thông điệp Liên bang 2022.

Thông điệp Liên bang 2022 của Tổng thống Joe Biden đề ra những mục tiêu về tầm nhìn, phương hướng, chính sách đối nội, đối ngoại cho những năm tiếp theo của nhiệm kỳ Tổng thống.

Sự kiện này đến vào thời điểm nước Mỹ đang chứng kiến nhiều biến động chính trị và tình hình thế giới đang căng thẳng do cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Chỉ vài giờ trước khi đọc Thông điệp Liên bang trước hai viện Quốc hội Mỹ, ông Biden đã có cuộc điện đàm 30 phút với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Thông điệp Liên bang 2022 của Tổng thống Joe Biden là cơ hội để ông nhấn mạnh lại những thành tựu mà chính quyền của ông đã đạt được trong năm đầu tiên cầm quyền: về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã được đẩy lùi, và những chính sách giúp phục hồi nền kinh tế Mỹ... Ông Biden cũng nhằm thu hút sự ủng hộ của 3 nhóm cử tri trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới, đó là cử tri của đảng Dân chủ ôn hòa, cử tri độc lập và những cử tri đảng Cộng hòa không ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump.

Vào thời điểm đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, thông điệp mà ông chủ Nhà Trắng muốn gửi đến người dân Mỹ, đó là "những ngày đẹp trời vẫn còn ở phía trước".

Theo truyền thống, các Thông điệp Liên bang đều tập trung chủ yếu vào vấn đề đối nội, nhưng Thông điệp Liên bang lần này được cho là cơ hội để Tổng thống Biden đề cập đến vấn đề Ukraine ở thời điểm người dân Mỹ vẫn quan ngại về việc tham gia vào xung đột tại nước ngoài cũng như kinh tế đối mặt với tác động do xằng dầu và khí đốt tăng cao.

Hãng tin AP đánh giá, trong khoảng thời gian giữa hai Thông điệp Liên bang, tháng 4/2021 và tháng 2/2022, đã xảy ra nhiều biến động. Tổng thống Biden đang gặp khó khăn trong thực hiện lời hứa ban đầu của ông và phải đối mặt với nhiều vấn đề mới phát sinh.

Mỹ sẽ không triển khai quân đội tại Ukraine

Mở đầu bài phát biểu Thông điệp Liên bang, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các thành viên Quốc hội sát cánh với ông để gửi một “tín hiệu không thể nhầm lẫn đến Ukraine và thế giới”.

"Đối với người dân Ukraine - lòng dũng cảm, sự quyết tâm của họ, đã truyền cảm hứng cho thế giới" - Tổng thống Biden nói.

Tổng thống Joe Biden nhắc lại rằng, Mỹ sẽ không triển khai quân đội đến Ukraine sau chiến dịch quân sự của Nga, đồng thời nhấn mạnh quân đội Mỹ được triển khai đến châu Âu không phải để chiến đấu ở Ukraine, mà để bảo vệ các đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Biden cho biết thêm rằng, vì mục tiêu trên, Mỹ đã huy động lực lượng mặt đất, phi đội không quân, triển khai tàu để bảo vệ các nước NATO bao gồm Ba Lan, Romania, Latvia, Lithuania và Estonia. Gần đây, Tổng thống Biden tuyên bố rằng Mỹ sẽ tuân thủ nguyên tắc Điều 5 của NATO, trong đó khẳng định rằng bất cứ cuộc tấn công nào vào một quốc gia NATO cũng có thể coi là cuộc tấn công vào tất cả các nước thành viên còn lại. Lần này, ông Biden lại nhấn mạnh Mỹ và các nước đồng minh sẽ "bảo vệ lãnh thổ của các nước NATO bằng toàn bộ sức mạnh tập thể".

Cũng trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Biden đã thông báo lệnh cấm máy bay Nga vào không phận Mỹ. Đây là quyết định mới nhất trong một loạt lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt chống Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại vùng Donbass (miền Đông Ukraine).

Đối với Ukraine, Tổng thống Biden thông báo kế hoạch "hỗ trợ hơn 1 tỷ USD trực tiếp cho Ukraine", bao gồm cả hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo từ Mỹ và các đồng minh.

Về đối nội, Tổng thống Biden cho biết, chính quyền muốn chống lạm phát bằng cách hạ giá thành sản xuất hàng hóa, qua đó thúc đẩy sản xuất. Ông Biden cho rằng việc giảm chi phí cũng có nghĩa là sản xuất nhiều ô tô và chất bán dẫn hơn tại Mỹ, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng giúp hàng hóa được vận chuyển nhanh hơn và rẻ hơn. Ông Biden kêu gọi rằng "hãy sản xuất tại Mỹ" thay vì phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài.

Tổng thống Biden cũng thông báo, Washington sẽ xuất ra 30 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) như một phần trong nỗ lực của quốc tế nhằm bình ổn thị trường sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. 

Ông Biden nhấn mạnh: "Tôi có thể thông báo rằng Mỹ đã làm việc với 30 quốc gia khác để xuất đi 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ trên toàn thế giới. Mỹ sẽ đi đầu trong nỗ lực này, xuất ra 30 triệu thùng dầu". Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh rằng, Washington "sẵn sàng làm hơn thế nữa, nếu cần thiết".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước