Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS - dấu mốc lớn trong hợp tác quân sự

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 15/03/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân được đánh giá là một dấu mốc lớn trong hợp tác quân sự giữa Mỹ, Anh và Australia.

Ngày hôm qua, tại một căn cứ Hải quân ở San Diego, California, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã công bố thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ Hiệp ước an ninh ba bên (AUKUS).

Theo thỏa thuận, Mỹ dự định bán cho Australia 3 tàu ngầm lớp Virginia chạy bằng năng lượng hạt nhân, với tùy chọn mua thêm 2 chiếc nữa trong tương lai. Uớc tính dự án này có thể tiêu tốn của Australia tới 368 tỷ AUD (khoảng 245 tỷ USD) trong ba thập kỷ tới.

Kế hoạch này cũng bao gồm việc sản xuất và vận hành một lớp tàu ngầm mới được gọi là "SSN-AUKUS" - một loại tàu ngầm được phát triển bởi ba bên, dựa trên thiết kế thế hệ tiếp theo của Anh, sử dụng công nghệ tiên tiến của Mỹ và được hoàn thiện tại Anh và Australia.

Australia khẳng định thỏa thuận này nhằm đảm bảo cân bằng chiến lược và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Còn Tổng thống Biden nhấn mạnh, tàu ngầm sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân và không được trang bị vũ khí hạt nhân.

Với thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS, lần đầu tiên kể từ khi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) được ký kết năm 1968, một lỗ hổng trong các quy định của Hiệp ước đã được sử dụng để cho phép chuyển giao vật liệu và công nghệ hạt nhân từ một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân sang một quốc gia không có vũ khí hạt nhân.

Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS - dấu mốc lớn trong hợp tác quân sự - Ảnh 1.

GS. Carl Thayer - Nhà nghiên cứu chính trị quốc tế, Đại học New South Wales, Australia đánh giá: Đây là một hình thức liên minh hiện đại và khả thi, nó không phải là bộ tứ giải quyết một loạt các vấn đề mà là ba đồng minh liên kết với nhau trước bất kỳ cuộc tấn công nào. Với bối cảnh mới này, chúng ta giờ không chỉ quan sát động thái giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn phải tính thêm khả năng giữa Mỹ và Australia và sự mở rộng của mối quan hệ này.

Bên cạnh đó, Nhật Bản mới đây đã thông báo tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng. Gần đây cũng có vài cuộc thảo luận về một bộ tứ nhỏ tại Philippines. Một khía cạnh ở liên minh AUKUS mà mọi người chưa thảo luận, đó là công nghệ quốc phòng liên quan đến trí tuệ nhân tạo, nền tảng điện toán lượng tử dưới đáy biển và các công nghệ khác. Vì vậy, thỏa thuận này không chỉ là tàu ngầm mà còn là công nghệ phòng thủ tân tiến và sự tương thích, đồng bộ công nghệ với nhau.

Dư luận khu vực về thỏa thuận AUKUS

Trong bối cảnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang chứng kiến những chuyển động an ninh phức tạp, dư luận trong khu vực đang có những đánh giá khác nhau về thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS.

Phản ứng về thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân vừa được công bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay lên tiếng cho rằng Australia, Anh và Mỹ đang xem nhẹ những lo ngại của cộng đồng quốc tế và đi xa hơn vào con đường nguy hiểm.

Ông Uông Văn Bân - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc: "Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc Mỹ, Anh và Austrlia thiết lập cái gọi là quan hệ đối tác an ninh ba bên, và thúc đẩy hợp tác về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và các công nghệ quân sự tiên tiến khác, là kết quả của tâm lý 'chiến tranh lạnh' điển hình. Điều này sẽ chỉ kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang, vi phạm quy định không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế và gây tổn hại cho hòa bình và ổn định khu vực".

Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS - dấu mốc lớn trong hợp tác quân sự - Ảnh 2.

Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - ông Li Song - kêu gọi thúc đẩy cuộc thảo luận liên chính phủ cởi mở, minh bạch, toàn diện và bền vững tại IAEA để giải quyết các rủi ro phổ biến vũ khí hạt nhân trước động thái triển khai tàu ngầm hạt nhân của liên minh AUKUS.

Trong khi đó, tờ The Interpreter nhận định, AUKUS có thể là một cơ chế mở và có thể mang đến một phương thức làm việc hiệu quả với các đối tác quan trọng trong khu vực, trong đó có Ấn Độ. Tờ báo này cũng đánh giá AUKUS có một chương trình nghị sự khác với Quad, tập trung nhiều hơn vào các công nghệ quốc phòng và an ninh.

Các nước láng giềng của Australia có sẵn sàng cho AUKUS không? Là câu hỏi mà tờ The Australian Financial Review đặt ra. Trong đó phân tích mối quan hệ đang tốt đẹp của Australia với cả Indonesia và Malaysia. Nhưng khi AUKUS được công bố lần đầu tiên vào tháng 9/2021, cả hai quốc gia này đều không hài lòng vì lo ngại về khả năng AUKUS góp phần vào một "cuộc chạy đua vũ trang" trong khu vực và về các nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân.

Về thỏa thuận AUKUS, Campuchia bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ không làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Còn Singapore hy vọng rằng AUKUS sẽ đóng góp một cách tích cực vào hòa bình và ổn định của khu vực.

Trong phản ứng mới nhất, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho rằng, nhóm AUKUS phải thực hiện các biện pháp bảo vệ và cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu. IAEA nhấn mạnh, các bên AUKUS đã tái khẳng định các cam kết của họ trước đây về việc duy trì tính toàn vẹn của cơ chế không phổ biến hạt nhân.

Trước đó, với tư cách là thành viên Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2021-2023, Việt Nam khẳng định đề cao các chủ trương và nỗ lực đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân và ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình và phát triển bền vững.

Australia sẽ có tàu ngầm hạt nhân sớm trước thời hạn Australia sẽ có tàu ngầm hạt nhân sớm trước thời hạn

VTV.vn - Australia sẽ có được chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trước thời hạn ít nhất 5 năm sau khi Washington đồng ý hỗ trợ thúc đẩy tiến độ dự án đóng tàu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước