Thỏa thuận hòa bình Abraham - Bước tiến lịch sử trong bình thường hóa quan hệ UAE - Israel

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 06/09/2020 13:40 GMT+7

VTV.vn - Cục diện khu vực Trung Đông đang thay đổi. Ảnh hưởng của việc UAE và Israel bình thường hóa quan hệ đối với nội bộ thế giới Arab có lẽ sẽ sâu rộng và phức tạp hơn.

Israel đang thực hiện những bước đi táo bạo nhằm bình thường hóa quan hệ với Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất (UAE). Mục tiêu và tiến độ được đẩy nhanh sau khi hai bên tuyên bố bình thường hóa quan hệ vào trung tuần tháng 8 vừa qua.

Chuyến bay thương mại đầu tiên nối hai nước được thực hiện đầu tuần này, mang theo những kỳ vọng rất lớn của Israel và cả Mỹ, nhà trung gian hòa giải cho hai quốc gia đã từng thù địch trong nhiều thập kỷ. Những tác động của sự kiện này không chỉ dừng lại ở khu vực bởi hóa giải một mối thù hơn nửa thế kỷ là một công cuộc chưa bao giờ là dễ dàng. Hành trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và thế giới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất còn nhiều chông gai và hoài nghi.

Chuyến bay lịch sử lần đầu tiên kết nối Israel với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất

Tại sân bay quốc tế Abu Dhabi, những bước chân đầu tiên của người Israel với chiếc mũ Kippah xuất hiện trên mảnh đất vùng vịnh. Kể từ ngày thành lập nhà nước Israel năm 1948, lần đầu tiên mới có một lễ đón công khai những người Do Thái tại xứ sở dầu mỏ.

Tuyên bố ngay sau khi đặt chân tới Abu Dhabi, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Jared Kushner cho rằng, tương lai không nhất thiết phải được định hình bởi quá khứ. Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đang cho thấy họ sẵn sàng bỏ lại quá khứ ở phía sau.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất hiện là nền kinh tế phát triển bậc nhất tại Trung Đông. Về chính trị, đây là đồng minh số một của Saudi Arabia, quốc gia vẫn được ví như anh cả của khối Arab. Vì vậy, những bước tiến của Israel tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất được cho vượt ra ngoài khuôn khổ mối quan hệ của hai nước, có thể báo hiệu một sự tái điều chỉnh chính sách của cả khối Arab với Israel.

Tổng thống Trump kể từ đầu nhiệm kỳ đã không ngừng thúc đẩy sáng kiến thiết lập một liên minh quân sự kiểu Nato tại Trung Đông. Giờ đây, sáng kiến này đã tiến thêm một bước, khi Israel và các đồng minh vùng vịnh của Mỹ đang chìa cánh tay tới với nhau. Bình thường hóa quan hệ với Israel, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất ngay lập tức được Washington hứa hẹn một vị thế mới trong sức mạnh quốc phòng.

Vai trò của Mỹ trong quan hệ giữa Israel với thế giới Arab

Bước xuống từ chuyến bay đầu tiên từ Israel sang Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Jared Kushner, người mai mối cho quan hệ giữa một nước Do Thái với một vương quốc thuộc thế giới Arab vùng vịnh, hy vọng thỏa thuận mới sẽ mang lại hòa bình sâu rộng cho Trung Đông.

Việc Mỹ làm trung gian thiết lập quan hệ ngoại giao UAE - Israel là thành công mang tính đột phá trong chính sách ở Trung Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump. Thành quả đối ngoại này có ý nghĩa và tác động rất quan trọng tới cơ hội của Tổng thống Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ. Chính sách Trung Đông của Tổng thống Trump từ khi nắm quyền đã được đánh giá là thiên vị đồng minh thân cận Israel.

Thỏa thuận hòa bình Abraham - Bước tiến lịch sử trong bình thường hóa quan hệ UAE - Israel - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố về thỏa thuận lịch sử giữa Israel và UAE tại Nhà Trắng (Ảnh: Reuters)

Trong 3 năm qua, có một loạt bước đi bị thế giới Arab phản ứng như Nhà Trắng chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, dời Đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem và công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan.

Chiến lược xuyên suốt của Mỹ và Israel từ rất nhiều thập kỷ nay là phân rẽ nội bộ thế giới Arab, trước hết nhằm để vô hiệu hoá sự ủng hộ và tình đoàn kết của các nước trong thế giới Arab dành cho Palestine và lôi kéo nhiều thành viên của thế giới Arab cùng đối phó Iran.

Với việc có thêm UAE công nhận Israel, Mỹ và Israel gặt hái thêm được thành quả mới trong việc thuyết phục các nước Arab từ bỏ sự thù địch với Israel, trong khi khoét sâu thêm mâu thuẫn với Iran.

Mỹ, Israel và UAE đã tạo nên một thực tại địa chính trị mới ở khu vực Trung Đông, vùng vịnh và trong thế giới Arab với tương quan lực lượng và cục diện quan hệ giữa các đối tác liên quan khác trước.

Thỏa thuận hòa bình Abraham giữa Israel và UAE

"Ngày hôm nay, chúng ta đã mở ra một kỷ nguyên hòa bình mới giữa Israel và thế giới Arab. Đây là tiến bộ lớn nhất tiến tới hòa bình giữa Israel và các quốc gia Arab trong vòng 26 năm qua" - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lạc quan tuyên bố như vậy sau khi nhà nước Do thái và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất tuyên bố bình thường hóa quan hệ vào giữa tháng 8.

Theo tuyên bố chung ba bên, trước khi ký kết chính thức, Israel và UAE sẽ thảo luận để ký các thỏa thuận song phương về đầu tư, du lịch, đường bay thẳng, an ninh, viễn thông, công nghệ, năng lượng, y tế, văn hóa, môi trường, thành lập các Đại sứ quán đối ứng và các lĩnh vực khác cùng có lợi. Trước mắt, hai bên sẽ ngay lập tức đẩy nhanh hợp tác phát triển vaccine ngừa COVID-19.

Thỏa thuận hòa bình Abraham - Bước tiến lịch sử trong bình thường hóa quan hệ UAE - Israel - Ảnh 2.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố về thỏa thuận mới đạt được với UAE (Ảnh: Reuters)

Vậy Israel đã phải trả giá như thế nào để đạt được bước tiến này với UAE?

Theo thống nhất giữa ba bên gồm Israel, UAE và Mỹ, Nhà nước Do thái sẽ tạm ngừng sáp nhập các khu vực thuộc bờ Tây của người Palestine, đồng thời tập trung các nỗ lực mở rộng quan hệ với các nước Arab và Hồi giáo khác. Các bên sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được một giải pháp công bằng, toàn diện và lâu dài cho cuộc xung đột Israel - Palestine.

Thỏa thuận Abraham đã bỏ qua một nguyên tắc được tôn trọng lâu nay trong thế giới Arab, đó là các quốc gia Arab sẽ không công nhận Nhà nước Do Thái cho đến khi cuộc xung đột Israel - Palestine được giải quyết.

Một nhà nước Palestine độc lập được xây dựng ở bờ Tây và dải Gaza, những vùng lãnh thổ mà Israel đã chinh phục trong cuộc chiến năm 1967. Giới lãnh đạo Palestine đã phản đối kịch liệt thỏa thuận này vì cho rằng nó "bỏ qua các quyền lợi của người Palestine", khiến mục tiêu thành lập một nhà nước độc lập của người Palestine trở nên xa vời hơn.

Tuy nhiên, Mỹ - kiến trúc sư chính của thỏa thuận lại cho rằng, việc các quốc gia Arab làm hòa với Israel không làm giảm nhu cầu tiến tới hòa bình với người Palestine và rằng, thỏa thuận Abraham còn mang lại động lực tích cực cho giới lãnh đạo Palestine để bắt đầu lại các cuộc đàm phán với Israel nhằm chấm dứt xung đột. Với Nhà Trắng, cách tiếp cận để giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine lâu nay đã trở nên lỗi thời và khiến cả khu vực Trung Đông mắc kẹt trong vòng xoáy bạo lực.

Tuy nhiên, việc bỏ qua lợi ích sống còn của Palestine trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Israel là một bước đi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Liệu thỏa thuận này chỉ toàn ý nghĩa tích cực hay sẽ gây thêm chia rẽ và mâu thuẫn lớn hơn trong khu vực, điều đó sẽ phụ thuộc vào các diễn biến tiếp theo ở khu vực.

Ván cờ của Israel trong thỏa thuận hòa bình với UAE

Trên bản đồ khu vực Trung Đông - Bắc Phi, Israel nằm lọt giữa các các nước thuộc thế giới Arab. Dễ hiểu, Israel cần bình thường hóa với thế giới Arab không chỉ để giảm thiểu các mối đe dọa tấn công mà còn để mở cửa thông thương, thúc đẩy kinh tế.

Nhìn vào lịch sử, xung đột giữa Israel và thế giới Arab đã nổ ra từ những năm 1950. Các cuộc chiến tranh liên tiếp diễn ra giữa Israel với Ai Cập, Jordan, Syria cho tới tận năm 1973. Những bài học từ các cuộc chiến này đã làm nảy sinh nhu cầu hòa bình của Israel với thế giới Arab với điểm nhấn quan trọng là việc Ai Cập và Israel chính thức bình thường hóa quan hệ vào năm 1979. Đến năm 1994, Jordan trở thành quốc gia thứ hai của thế giới Arab bình thường hóa quan hệ với Israel.

Trong các quan hệ này, Israel không phải đánh đổi nhiều. Như với trường hợp Ai cập, Israel giành được lợi ích về kinh tế, giảm bớt sự công kích của thế giới Arab nhằm vào Nhà nước Do Thái, trong khi chỉ phải đổi lại là sự tiếp cận và tăng cường ảnh hưởng của Ai Cập tại Trung Đông. Chính vì thế, với bước tiến lần này, thỏa thuận Abraham được Israel hi vọng có thể mở rộng bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Arab khác.

Thế nhưng, xung đột Israel và các quốc gia Arab không chỉ về kinh tế mà quan trọng hơn và sâu xa hơn đó là xung đột sắc tộc, tôn giáo. Bài toán tranh chấp Israel - Palestine hàng thập kỷ nay vẫn chưa có lời giải. Đã có rất nhiều cuộc tiếp xúc ở các cấp khác nhau, từ công khai tới bí mật, tuy nhiên, tất cả đều đi đến thất bại. Nhiều sáng kiến, kế hoạch hòa bình được các bên đưa ra nhưng đều không có kết quả.

Thỏa thuận hòa bình Israel - UAE, vốn bỏ qua lợi ích của Palestine, ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ nhiều phía. Thậm chí, đã có những cảnh báo được đưa ra từ các phong trào Hồi giáo, các nhóm vũ trang nhằm vào Israel.

Bài toán lợi ích của Israel từ thỏa thuận với UAE không chỉ dừng lại ở việc bình thường hóa quan hệ với một nước đơn lẻ. Nó là bước tiếp cận sâu hơn của Israel với thế giới Arab và là nền móng cho Israel mở rộng ảnh hưởng nhiều hơn tại vùng vịnh. Mục tiêu hòa bình và xung lực hợp tác của Israel với các nước Arab không phải là nhỏ nhưng những mâu thuẫn cốt lõi về dân tộc, sắc tộc, tôn giáo sẽ là những rủi ro khó định lượng và là những thách thức, rào cản lớn đối với tiến trình này.

Bởi vậy, có thể Israel sẽ phải có những điều chỉnh đối với các tính toán chiến lược và các nước đi tiếp theo trong ván bài Thỏa thuận hòa bình Abraham lần này. Cuộc chơi sẽ diễn biến ra sao, cán cân nghiêng về bên nào, đến nay vẫn còn là một câu hỏi mở.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước