Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan (giữa), người đồng cấp Ethiopia Taye Atske Selassie (trái) và Somali Ahmed Moalim Fiqi tổ chức họp báo chung ở Ankara (Ảnh: Anadolu Agency)
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hôm 1/7 cho biết Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước này - ông Hakan Fidan - đã tiếp đón những người đồng cấp Ethiopia và Somalia tại Ankara, đồng thời cho biết thêm ba Ngoại trưởng đã ký một tuyên bố chung sau các cuộc đàm phán "thẳng thắn, thân mật và hướng tới tương lai".
Tuyên bố cho biết các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Somalia và Ethiopia đã thảo luận về cách giải quyết những khác biệt giữa họ "trong khuôn khổ được cả hai bên chấp nhận" và đồng ý tổ chức một vòng đàm phán khác ở Ankara vào ngày 2/9.
Tuyên bố cho biết thêm: "Các Bộ trưởng Somalia và Ethiopia nhắc lại cam kết của họ đối với việc giải quyết các khác biệt một cách hòa bình".
Người phát ngôn của Somaliland - khu vực ly khai đã phải vật lộn để giành được sự công nhận của quốc tế mặc dù tự quản lý, được hưởng hòa bình và ổn định tương đối kể từ khi tuyên bố độc lập vào năm 1991 - cho biết họ không tham gia vào các cuộc đàm phán.
Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành đồng minh thân cận của Chính phủ Somalia kể từ khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lần đầu tiên đến thăm Mogadishu vào năm 2011, cho phép cung cấp huấn luyện cho lực lượng an ninh và cung cấp hỗ trợ phát triển.
Hai quốc gia đã ký một hiệp ước quốc phòng vào tháng 2, theo đó Ankara sẽ hỗ trợ an ninh hàng hải cho Somalia để giúp quốc gia châu Phi này bảo vệ lãnh hải của mình.
Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng trường học, bệnh viện, cơ sở hạ tầng và cấp học bổng cho công dân Somalia đến học ở Thổ Nhĩ Kỳ, đổi lại Ankara đảm bảo được chỗ đứng ở châu Phi và trên tuyến đường vận chuyển toàn cầu quan trọng.
Một nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các nỗ lực hòa giải của Ankara bắt đầu sau khi Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đến thăm Tổng thống Erdogan ở Ankara vào tháng 5 và chuyển thư đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hòa giải giữa Somalia và Ethiopia.
Căng thẳng giữa hai quốc gia châu Phi này đã âm ỉ diễn ra kể từ khi Ethiopia ký biên bản ghi nhớ với khu vực ly khai Somaliland vào tháng 1 về sử dụng cảng biển ở Somaliland - điều mà Somalia tố cáo là xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này.
Bản ghi nhớ cho phép Ethiopia - quốc gia không giáp biển - tiếp cận biển thông qua Somaliland, đổi lại Ethiopia sẽ công nhận Somaliland là một quốc gia độc lập.
Hai nước có lịch sử tranh chấp và thù địch, đã trải qua hai cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20. Somaliland là thuộc địa của Anh cho đến năm 1960, được hưởng độc lập 5 ngày trước khi tự nguyện thống nhất với Somalia. Trong khi đó, Ethiopia đã bị tách khỏi bờ biển sau khi Eritrea ly khai và tuyên bố độc lập vào năm 1993 sau cuộc chiến kéo dài 3 thập kỷ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!