Nguyên nhân là vì đại dịch COVID-19 tạo ra nhu cầu lớn đối với khỉ thử nghiệm. Trung Quốc, quốc gia cung ứng 60% số khỉ nhập khẩu vào Mỹ trong năm ngoái, đã ngừng xuất khẩu loài này. Trong khi đó, khỉ lại đóng vai trò quan trọng trong quá trình thử nghiệm các vaccine, vì thế có thể những vaccine COVID-19 sẽ mất nhiều thời gian hơn để nghiên cứu.
Từ năm 2018, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã dự báo các trung tâm linh trưởng quốc gia do NIH tài trợ sẽ không thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai và đã bàn đến chuyện xây dựng khu dự trữ khỉ chiến lược để đón đầu dịch bệnh có thể xảy ra. Cuối cùng, đại dịch COVID-19 bùng phát trong khi khu dự trữ khỉ chiến lược chưa có. Ngoài ra, khỉ được cho nhiễm COVID-19 phải được nuôi trong các phòng thí nghiệm an toàn sinh học động vật cấp 3 (ABSL-3) trong khi số phòng ABSL-3 ở Mỹ rất ít.
Các nhà khoa học cho rằng, khỉ có nhiều điểm tương đồng với người. Theo nhận xét của Skip Bohm - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu linh trưởng quốc gia Tulane, hệ miễn dịch của khỉ và người giống nhau đến mức các nghiên cứu vaccine có thể sử dụng cùng một xét nghiệm để đo lượng kháng thể của cả hai.
Nhà nghiên cứu vaccine JoAnne Flynn ở Đại học Pittsburgh nhận xét: "Khỉ còn là mô hình tốt để thử nghiệm các tác nhân giúp gia tăng hiệu quả của vaccine ".
Với tốc độ phát triển vaccine ngừa COVID-19 chưa từng có, một số hãng dược bắt đầu thử nghiệm trên người trước khi kết thúc nghiên cứu trên khỉ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!