Hàn Quốc tuyên bố sẽ xây dựng "cứ điểm" sản xuất chip lớn nhất thế giới ở khu vực ngoại ô thủ đô Seoul. Kế hoạch này được tiến hành trong vòng 20 năm, nhờ khoản đầu tư khổng lồ từ tập đoàn Samsung - khoảng 230 tỷ USD.
Samsung sẽ xây dựng thêm 5 nhà máy sản xuất chip, dự kiến thu hút 150 nhà sản xuất vật liệu, linh kiện, thiết bị, công ty thiết kế chip cũng như các tổ chức nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn, để tạo một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Chính phủ Hàn Quốc coi đây là trọng tâm trong hệ sinh thái bán dẫn của nước này. Còn với Samsung, chip nhớ, vốn là công cụ mang về nguồn thu lớn, sẽ tiếp tục là sản phẩm trọng tâm với kế hoạch đầu tư mới này.
Trong khi đó, hồi đầu tháng này, một quỹ đầu tư quốc gia của Trung Quốc đã cam kết rót thêm khoảng 1,9 tỷ USD vào YMTC, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của nước này. Việc rót vốn cho YTMC dự kiến hoàn tất vào trong tháng 1 năm sau, đây cũng được xem là một trong những khoản đầu tư lớn nhất kể từ năm ngoái của Trung Quốc dành cho một công ty bán dẫn nội địa, và một lần nữa cho thấy Bắc Kinh đang tăng cường chi tiêu cho bán dẫn - lĩnh vực nước này đặt mục tiêu tự chủ.
Cũng trong cuộc đua đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, Đạo luật CHIPS và Khoa học chính thức có hiệu lực đã cho phép các công ty Mỹ nộp hồ sơ nhận tài trợ bắt đầu từ tháng 2 năm nay. Chính phủ Mỹ dành tới hơn 54 tỷ USD để tài trợ cho nghiên cứu và xây dựng các nhà máy sản xuất chip.
Ngành công nghiệp thiết bị bán dẫn của ASEAN đã và đang nhận được sự thúc đẩy từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Singapore là quốc gia đi đầu trong số các nước ASEAN về sản xuất chip và quốc đảo này đóng góp 12,4% vào xuất khẩu thiết bị bán dẫn toàn cầu.
Công ty Soitec của Pháp sẽ đầu tư 400 triệu Euro để tăng gấp đôi công suất của nhà máy sản xuất tấm wafer tại Singapore, còn nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Applied Materials của Mỹ đã khởi công xây dựng một nhà máy mới trị giá khoảng 450 triệu USD ở Singapore. Hồi năm ngoái, hãng sản xuất chip GlobalFoundries (Mỹ) cho biết, sẽ đầu tư khoảng 4 tỉ USD vào một cơ sở sản xuất ở Singapore.
Đông Nam Á trong cuộc đua sản xuất chip
Thị trường sản xuất vật liệu bán dẫn toàn cầu đang nóng lên từ các bước đi lớn của các cường quốc công nghệ trên thế giới. Cuộc cạnh tranh này lại mang đến cơ hội cho các nước Đông Nam Á. Nhiều tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới đã và đang để mắt tới Đông Nam Á, coi đây như một nơi đầu tư an toàn và đầy tiềm năng.
Trong các báo cáo gần đây đánh giá về năng lực sản xuất vật liệu bán dẫn, các quốc gia Đông Nam Á được xếp ở vị trí nổi bật trong chuỗi sản xuất chip thế giới, chiếm tới 27% thị trường đóng gói và thử nghiệm chip toàn cầu.
Theo Báo cáo nghiên cứu về công nghiệp sản xuất chip bán dẫn Đông Nam Á 2023-2032, được Researchandmarkets công bố đánh giá, Singapore là cơ sở sản xuất chip bán dẫn quan trọng.
Ông Glyn Truscott - Giám đốc tại Bain & Co: "Một lý do khiến Singapore trở thành lựa chọn phổ biến với các công ty trong ngành là hệ sinh thái khổng lồ gồm các nhà cung cấp và đối tác đặt tại đây. Hơn nữa, vị trí tại Đông Nam Á của công ty cũng mang lại sự đa dạng trong chuỗi cung ứng".
Các nước Đông Nam Á còn lại gồm Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Indonesia có nền tảng nhất định, với nguồn lao động dồi dào và giá rẻ, đang trở thành điểm nóng của các nhà sản xuất chip toàn cầu đầu tư xây dựng nhà máy. Trong khi Myanmar, Campuchia, Lào và Brunei, ngành sản xuất chip bán dẫn vẫn chưa phát triển. Dự báo quy mô ngành sản xuất chip bán dẫn ở Đông Nam Á sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trong 10 năm tới.
Báo cáo của công ty kiểm toán Ernst & Young (Anh) đánh giá, năng lực sản xuất thiết bị bán dẫn của ASEAN đang được chú trọng do hệ sinh thái năng lực sản xuất đa dạng. Khối này là nhà xuất khẩu thiết bị bán dẫn lớn thứ hai thế giới, chiếm 22,5% thị phần toàn cầu.
Việt Nam, Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan là các nước được đánh giá dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và thiết kế vi mạch. Malaysia và Singapore là những nước đi đầu trong khu vực về sản xuất tấm wafer và thiết bị. Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia dẫn đầu về sản xuất phụ trợ, trong khi Singapore và Thái Lan dẫn đầu về phần mềm kỹ thuật.
Ông Jimmy Goodrich - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ (SIA): "Những quốc gia có lợi thế lao động như Philippines, Việt Nam. Thái Lan cũng rất quan tâm đến lĩnh vực chip bán dẫn và đang tìm cách triển khai một số chính sách mới của chính phủ. Vì vậy, đây không chỉ là một hoặc hai quốc gia trong chuỗi cung ứng, hầu như mọi quốc gia ở Đông Nam Á đều để mắt đến lĩnh vực chip, đó có thể là thế mạnh của khu vực này".
Đông Nam Á hiện chiếm 200 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu chip toàn cầu. Dù năng lực tốt nhưng khu vực này vẫn chưa thể đáp ứng đủ khi nhu cầu tăng trung bình 4-5% một năm và Ernst & Young cho rằng, ASEAN cần phải tăng gấp đôi công suất sản xuất từ nay đến năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!