Thế giới vượt mốc 28,9 triệu ca mắc COVID-19

P.L-Chủ nhật, ngày 13/09/2020 08:10 GMT+7

Số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vẫn không ngừng gia tăng (Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Tính đến sáng ngày 13/9, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là hơn 28,9 triệu ca, trong đó, tổng số ca tử vong là hơn 923 nghìn trường hợp.

Dịch COVID-19 đã lan rộng trên 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo báo cáo trên trang Worldomters, tính tới thời điểm hiện tại, toàn thế giới đã có tới 28.927.018 ca mắc COVID-19, trong đó có 923.946 trường hợp không thể qua khỏi và 20.782.403 trường hợp đã bình phục hoàn toàn.

Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 6,6 triệu ca mắc COVID-19, tiếp theo là Ấn Độ với 4,7 triệu ca và Brazil với 4,3 triệu ca.

Báo động số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ

Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, với 97.654 ca mắc mới trong 24 giờ qua, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này tăng lên hơn 4.751.788 ca.

Thế giới vượt mốc 28,9 triệu ca mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Ấn Độ hiện được coi là tâm dịch COVID-19 lớn nhất tại châu Á (Ảnh: AP)

Hiện tại, Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau Mỹ. Số ca mắc mới tại Ấn Độ đang tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, với số ca mắc tăng mạnh khắp các khu vực thành thị cũng như nông thôn tại một số bang lớn và đông dân cư.

Brazil "gần như giành chiến thắng" trong cuộc chiến chống đại dịch

Brazil ghi nhận thêm 800 ca tử vong trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong lên 131.274 ca. Số ca nhiễm mới tăng thêm 31.880 ca, lên tổng số 4.315.858 ca.

Hiện tại, số ca nhiễm và tử vong tại Brazil đang ở mức cao nhất tại khu vực Mỹ Latin. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, Brazil ghi nhận tỷ lệ tử vong trung bình theo tuần giảm và có xu hướng giảm cả về số ca nhiễm và tử vong mới ở hầu hết các khu vực trên cả nước.

Tổng thống Jair Bolsonaro cho rằng, Brazil "gần như giành chiến thắng" trong cuộc chiến chống đại dịch sau khi Chính phủ đã làm mọi thứ có thể nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của dịch bệnh, thông qua viện trợ khẩn cấp cho 65 triệu người, hoặc hỗ trợ các công ty nhỏ.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch

Tại Đông Nam Á, Indonesia đã 5 ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới trên 3.000 ca. Trong 24 giờ qua, Bộ Y tế Indonesia đã thông báo thêm 3.906 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 214.746 ca. Số trường hợp tử vong do dịch bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này hiện là 8.650 người, cao nhất trong khu vực.

Philippines cũng ghi nhận thêm 186 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi lên 4.292 người. Trong khi đó, số ca nhiễm mới trong ngày cũng tăng đáng báo động, lên tới 4.935 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Philippines hiện là 257.863 người. Philippines là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nặng nề nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Malaysia đóng một số cửa khẩu với Thái Lan

Ngày 12/9, Malaysia đã đóng cửa trạm kiểm soát biên giới Bukit Kayu Hitam giáp với miền Nam Thái Lan cho đến ngày 25/9 để kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 ở bang Kedah.

Đại sứ quán Thái Lan ở Kuala Lumpur cho biết, người Thái Lan ở bang Kedah sẽ không thể về nước qua cửa khẩu trên mà phải chọn các cửa khẩu khác.

Việc đóng cửa tạm thời cửa khẩu Bukit Kayu Hitam diễn ra sau khi có các ca COVID-19 mới ở bang Kedah tăng mạnh. Trong khi đó, các nhà chức trách Thái Lan cũng đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt dọc khu vực biên giới, sau khi số ca mắc mới COVID-19 tăng lên ở các nước láng giềng.

Hiện tại, Malaysia ghi nhận 9.868 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 58 ca mắc mới trong 24 giờ qua và có 128 trường hợp tử vong do dịch bệnh.

Số ca mắc COVID-19 tại Tây Ban Nha tăng mạnh sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế

Tây Ban Nha thông báo, nước này đã nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 576.697 ca, mức cao nhất tại khu vực Tây Âu hiện nay. Số ca tử vong tại Tây Ban Nha cũng tăng 6 ca, lên tổng số 29.747 ca.

Thế giới vượt mốc 28,9 triệu ca mắc COVID-19 - Ảnh 2.

Xét nghiệm COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha (Ảnh: AP)

Kể từ khi Tây Ban Nha dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại và tiến hành xét nghiệm quy mô lớn từ cuối tháng 6 vừa qua, số ca nhiễm mới tại nước này đã gia tăng trở lại từ mức vài trăm ca lên hàng nghìn ca mỗi ngày.

UAE ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục

Trong 24 giờ qua, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã ghi nhận thêm 1.007 ca mắc COVID-19 mới, đánh dấu ngày có số ca mắc mới cao nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này.

Trướ đó, hồi đầu tuần, giới chức UAE đã cảnh báo số ca mắc mới mỗi ngày tại quốc gia này tăng gấp 5 lần so với 1 tháng trước đó và yêu cầu người dân tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Trong tuần qua, số ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày tại UAE liên tục tăng và đây là lần đầu tiên số ca mắc mới trong ngày tại quốc gia này vượt ngưỡng 1.000, cao hơn cả mức đỉnh điểm 994 ca từng ghi nhận ngày 22/5 khi dịch COVID-19 bùng phát đợt đầu tại quốc gia này.

Hiện tại, UAE ghi nhận tổng cộng 78.849 ca mắc, trong đó có 399 ca tử vong. Cộng đồng người lao động nhập cư đông đảo tại quốc gia này chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng vì điều kiện sinh hoạt tại những nơi chật chội và kém vệ sinh.

Trong khi đó, Iran, một trong những quốc gia chịu tác động mạnh nhất ở khu vực Trung Đông, cũng thông báo tổng số ca tử vong vượt ngưỡng 23.000 sau khi ghi nhận thêm 116 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua. Hiện tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này là 399.940, tăng 2.139 ca trong 24 giờ qua.

Lô vaccine Sputnik V đầu tiên đã được chuyển đến các địa phương tại Nga

Ngày 12/9, Bộ Y tế Nga cho biết lô vaccine Sputnik V đầu tiên đã được chuyển từ thủ đô Moskva đến các chủ thể địa phương của Nga. Đợt giao hàng đầu tiên này là đợt thử nghiệm, qua đó các chuyên gia dự định xây dựng chuỗi cung cấp vaccine cho các chủ thể của Liên bang Nga, cũng như tổ chức tiêm vaccine cho những người dân thuộc nhóm nguy cơ cao.

Thế giới vượt mốc 28,9 triệu ca mắc COVID-19 - Ảnh 3.

Vaccine Sputnik V của Nga được phê duyệt ngày 11/8 (Ảnh: AP)

Theo Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga, đến cuối năm 2021, hơn 1 tỷ người sẽ được tiêm chủng vaccine Sputnik V do Nga sản xuất. Khoảng 30 nước đã bày tỏ quan tâm vaccine Sputnik V của Nga.

Tiếp tục cuộc chạy đua vaccine ngừa COVID-19

Cùng ngày, hãng dược phẩm liên doanh Anh - Thụy Điển AstraZeneca đã thông báo nối lại thử nghiệm lâm sàng theo cách thức ngẫu nghiên đối với vaccine AZD1222 - một trong những loại vaccine được đánh giá có tiềm năng nhất ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay.

Trước đó, hãng đã tạm ngừng thử nghiệm này sau khi một tình nguyện viên tại Anh mắc một chứng bệnh chưa xác định. Quyết định nối lại thử nghiệm được đưa ra sau khi một ủy ban độc lập và giới chức hữu quan quốc tế tiến hành đánh giá về dữ liệu an toàn của vaccine AZD1222 và kết luận các thử nghiệm tại Anh là an toàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước