Cuối tuần qua trong khuôn khổ kỳ họp thứ 74 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, 20 quốc gia trong đó có Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc đã ký thỏa thuận ngăn chặn lan truyền tin giả trực tuyến.
Các nước tham gia thỏa thuận cam kết quảng bá thông tin được báo cáo độc lập, đa dạng và xác thực trên Internet. Thỏa thuận do Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF đề xuất nhằm nhấn mạnh trách nhiệm của các nhà cung cấp Internet trong việc thúc đẩy kiểm soát nội dung để thoát khỏi sự hỗn loạn thông tin như hiện nay.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói: "Sự xuất hiện của không gian kỹ thuật số toàn cầu đang làm thay đổi thế giới thông tin, mang lại nhiều tiến bộ song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những tin tức sai sự thật trên mạng Internet, đặc biệt trong các chiến dịch bầu cử gây chia rẽ xã hội và hủy hoại niềm tin vào thể chế dân chủ".
Được biết tới thời điểm này của năm 2019, các chiến dịch tung tin giả đã diễn ra ở ít nhất 70 quốc gia trên thế giới và thông tin sai lệch trên Internet đã trở nên phổ biến đến mức nhiều hơn cả tin thật khiến rất khó phân biệt đâu là tin thật, đâu là tin giả.
Không chỉ là mối đe dọa với chính quyền, tin giả còn là mối đe dọa lớn đối với xã hội và các công ty công nghệ, với mức độ ngày càng trở nên nghiêm trọng.
10 ngày trước, mạng xã hội Twitter đóng cửa hàng ngàn tài khoản vì phát tán tin giả, thổi phồng hay kích động tình hình tại Hong Kong, Trung Quốc, Saudi Arabia, Yemen gây bất ổn dư luận tại các nước như một phần của cuộc chiến tranh tuyên truyền trong những khu vực vốn đang rơi vào tình trạng căng thẳng này. Trong 2 tháng qua, Facebook xóa hơn 2 tỷ tài khoản giả mạo ở Saudi Arabia, Ai Cập và UAE vì đăng thông tin sai sự thật về các điểm nóng trong khu vực như Libya, Sudan và Yemen. Mới đây nhất hồi tuần trước Facebook xóa trang mạng "I Love America" và các trang liên quan vì vi phạm chính sách chống tài khoản giả mạo sau khi điều tra cho thấy các trang được hàng triệu người theo dõi này đăng tin sai lệch với mục đích can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Với số lượng người sử dụng mạng xã hội ở châu Á nói chung và ASEAN nói riêng cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác, cuộc chiến chống tin giả là mặt trận nóng bỏng của chính phủ các nước ASEAN trong đó có Việt Nam.
Việt Nam xếp thứ 10 thế giới về lượng người truy cập các mạng xã hội với thời lượng sử dụng Internet và mạng xã hội của người Việt trung bình khoảng 7 giờ/ngày. Cũng như các nước khác trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang đối phó với vấn nạn thông tin sai trái thù địch gây bất ổn chính trị, trật tự an toàn xã hội bằng hành lang pháp lý được quy định trong Luật An ninh mạng và Bộ luật Hình sự với mức phạt người tung tin giả lên đến 7 năm tù, trong khi Luật Chống tin tức giả ở Malaysia quy định mức phạt lên đến 6 năm tù và với cùng tội danh Campuchia phạt tới 2 năm tù và phạt tiền 1.000 USD. Tháng 5 năm nay Singapore vừa thông qua đạo luật chống tin giả và thao túng trên mạng cho phép Singapore gỡ bỏ những nội dung mà nhà chức trách xác định là sai lệch với mức phạt tù 10 năm và phạt tiền lên tới 1 triệu SGD. Ngày 1/11 tới, Thái Lan sẽ mở cửa Trung tâm chống tin giả đầu tiên ở thủ đô Bangkok, Thái Lan và tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra ngay sau đó nước chủ tịch luân phiên ASEAN sẽ chính thức đề xuất các công ty công nghệ thành lập các trung tâm chống tin giả tại mỗi nước thành viên ASEAN.
Có thể thấy, chính phủ các nước ASEAN đang phối hợp trong cuộc chiến chống tin giả vì ASEAN đang dựa vào nền kinh tế số để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh các công ty công nghệ cũng nhắm đến 641 triệu cư dân yêu thích mạng xã hội của khu vực Đông Nam Á là thị trường phát triển trọng yếu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!